September 07, 2021 | 22:05 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội: "Cần chú trọng chăm lo sức khỏe người dân và môi trường để phát triển bền vững"

Quang Trung -

Thực tế rút ra nhiều bài học đắt giá về ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và đại dịch Covid-19 chính là lời cảnh tỉnh sâu sắc về việc phải quan tâm đến môi trường sống và sức khỏe con người...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn/Doãn Tấn .
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn/Doãn Tấn .

Sáng 7/9 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo, với sự tham dự của hơn 110 Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày với chủ đề chung: “Sự lãnh đạo của Nghị viện vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và trái đất”.

NGƯỜI DÂN PHẢI LÀ TRUNG TÂM CHO CHÍNH SÁCH QUỐC GIA

Trong thông điệp gửi tới phiên khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong bối ảnh u ám, đầy lo lắng trên toàn cầu về đại dịch Covid-19, Việt Nam đánh giá cao nỗ lực tuyệt vời, ý chí mạnh mẽ của Quốc hội Áo tổ chức Hội nghị lần này, để các nghị sĩ - những người đại diện cho nhân dân - được gặp gỡ trực tiếp thể hiện tinh thần đoàn kết đa phương, chung tay hành động chiến thắng đại dịch Covid-19, gìn giữ nền hòa bình, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Chủ tịch Quốc hội gửi thông điệp gửi tới hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn.
Chủ tịch Quốc hội gửi thông điệp gửi tới hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn.

"Trên tinh thần đó, các Nghị viện chúng ta cần thể hiện vai trò dẫn dắt và đồng hành với các Chính phủ, thúc đẩy hợp tác đa phương, kết nối gia tăng nguồn lực, phát huy sự nỗ lực, sức sáng tạo của mỗi người dân, doanh nghiệp để vượt qua đại dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, gìn giữ môi trường  hòa bình, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững. Chúng tôi đánh giá cao vai trò quan trọng của Liên minh nghị viện thế giới (IPU) trong việc kêu gọi các nghị viện trên toàn thế giới tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, người dân phải là trung tâm cho mọi nỗ lực và chính sách quốc gia. Hòa bình và phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi người dân được đảm bảo cơ bản các điều kiện sống an toàn và hạnh phúc, ấm no. Bên cạnh đó, cần thực hiện công bằng vaccine cho mọi người; củng cố hệ thống y tế tự cường; hợp tác sản xuất vaccine; chuyển đổi số quốc gia phải gắn với nâng cao kĩ năng số cho người lao động; tạo thuận lợi cho sản xuất, lưu thông hàng hoá và dịch vụ; mở cửa cho việc đi lại qua biên giới nhưng bảo đảm an toàn y tế.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các cơ chế đa phương hiệu quả là cơ sở cho kết nối hài hòa giữa chủ nghĩa đa phương ở cấp độ toàn cầu với thực tiễn của khu vực và quốc gia vì hòa bình, phát triển bền vững.

ĐẠI DỊCH COVID-19 CẢNH TỈNH SÂU SẮC VỀ MỐI QUAN TÂM TỚI MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Sau lễ khai mạc đã diễn ra Phiên thảo luận toàn thể dưới sự chủ trì của Chủ tịch và Tổng Thư ký IPU. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo Quốc hội/Nghị viện trên thế giới đã thảo luận chủ đề: “Để đạt được phát triển bền vững đòi hỏi tập trung hơn vào những lĩnh vực nào, hạnh phúc ấm no cho người dân, bảo vệ môi trường hay ưu tiên phát triển kinh tế”.

Phát biểu tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ quan điểm, cho rằng phát triển bền vững cần chú trọng vào việc chăm lo sức khỏe con người và bảo vệ môi trường hơn là chỉ tập trung cho tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Điều này là phù hợp với mục tiêu Phát triển bền vững SDG-2030 của Liên hợp quốc và là sự cân bằng hài hòa của 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.

"Con người là nguồn tài nguyên, của cải đích thực và quý giá nhất của mọi quốc gia, mục đích phát triển kinh tế - xã hội là để con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Đó là yếu tố nền tảng vững chắc mang tính quyết định đối với sự phát triển bền vững", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được Chủ tịch Quốc hội các quốc gia ghi nhận và đánh giá cao. Ảnh: Quochoi.vn/Doãn Tấn.
Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được Chủ tịch Quốc hội các quốc gia ghi nhận và đánh giá cao. Ảnh: Quochoi.vn/Doãn Tấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thực tế rút ra rất nhiều bài học đắt giá về ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và đại dịch Covid-19 chính là một lời cảnh tỉnh sâu sắc về việc phải quan tâm đến môi trường sống và sức khỏe con người, đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế cộng đồng, luôn sẵn sàng để đối phó với các dịch bệnh khó lường trong tương lai.

"Trong chiến lược và kế hoạch phát triển quốc gia, Việt Nam luôn xác định không đánh đổi môi trường cũng như sức khỏe của người dân để lấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, mà luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển trong đó phát triển giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội Việt Nam đã thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật về chuyển đổi mô hình kinh tế hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường tái chế, tái sử dụng.

Song song với đó, Quốc hội Việt Nam cũng nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường các nguồn lực và năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao công tác truyên truyền và giáo dục về môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân. 

"Việt Nam rất mong muốn hợp tác, chia sẻ với các quốc gia, các tổ chức quốc tế để bảo đảm ưu tiên cho sức khỏe của người đân, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại phiên họp, một số lãnh đạo Nghị viện phát biểu tại phiên cũng đề cập đến những thách thức đang nổi lên trên thế giới hiện nay đối với phát triển bền vững như biến đối khí hậu, an ninh, môi trường…thảo luận làm sao để cân bằng giữa phát triển và giữ gìn môi trường, đảm bảo an sinh, sinh kế cho người dân… 

 
Hội nghị Chủ tịch Nghị viện các quốc gia trên thế giới diễn ra 5 năm một lần. Mục tiêu của Hội nghị là củng cố năng lực quản trị toàn cầu của nghị viện. Đây là cuộc họp lớn nhất thế giới gồm các đại biểu cấp cao nhất của Nghị viện, Quốc hội các nước.
Hội nghị do IPU và Quốc hội Áo tổ chức, với sự hợp tác của Liên hợp quốc, là chương trình nối tiếp của Phiên họp trực tuyến được tổ chức vào tháng 8/2020. Hội nghị diễn ra sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 13 của các Nữ Chủ tịch Nghị viện vào ngày 6/9 và sau đó ngày 9/9 là Hội nghị Thượng đỉnh Nghị viện toàn cầu lần thứ nhất về chống khủng bố.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate