May 14, 2013 | 20:35 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội: Lạm phát “quá tốt” do điều hành dở

Nguyên Thảo

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các báo cáo về kinh tế, xã hội, ngân sách khi trình Quốc hội phải có sức sống

Soi lại nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói, lạm phát
 khoảng 7-8% là được, còn 6,81% cũng là tốt, nhưng là "tốt quá" nên ảnh 
hưởng đến tăng trưởng.
Soi lại nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói, lạm phát khoảng 7-8% là được, còn 6,81% cũng là tốt, nhưng là "tốt quá" nên ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Gần kết thúc phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phê: lạm phát năm 2012 “quá tốt” chính là do điều hành dở.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ năm sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới đây, Chính phủ sẽ có báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2012.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch.

Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2012 so với cùng kỳ năm trước tăng 6,81% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 8%), đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2012 là tăng dưới 10% và thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2010 và năm 2011.

Một trong bốn chỉ tiêu hụt đích là GDP năm 2012 tăng 5,03% so với năm 2011, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội là 5,2% và thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tăng 6-6,5%.

Bên cạnh lạm phát được kiềm chế, phần ”kết quả đạt được” tại báo cáo, Chính phủ cho rằng "nền kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng hợp lý".

Chủ tịch Quốc hội: Lạm phát “quá tốt” do điều hành dở 1Nếu không có số thu thêm từ lãi dầu khí nước chủ nhà từ các năm trước thì ngân sách năm 2012 sẽ hụt thu... Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển

Soi lại nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói, lạm phát khoảng 7-8% là được, còn 6,81% cũng là tốt, nhưng là "tốt quá" nên ảnh hưởng đến tăng trưởng.

"Điều hành như vậy là dở, nếu CPI trên 7% thì bây giờ tăng trưởng không thấp thế, cái này là do điều hành", ông quả quyết.

Vẫn chiếu theo nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra những cái được là thị trường không tốt nhưng giá cả bà con vẫn thấy được, lãi suất giảm, thị trường vàng trong nước ổn định, ngân hàng không đổ vỡ. Nhưng Quốc hội yêu cầu giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đang khó khăn thì cái này chưa được.

Tóm lại, theo Chủ tịch, năm 2012 tăng trưởng chưa hợp lý. “Tôi không nói là vô cùng bi đát như anh Cường (ông Nguyễn Xuân Cường, Phó ban Kinh tế Trung ương - PV) mà là chưa đạt đến mức có thể phấn đấu được”, ông nhấn mạnh.

Liên quan đến con số được ông Cường đưa ra là 65% doanh nghiệp báo lỗ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không phải 65% mà có thể còn hơn, và đi theo đó là ngân sách cũng xấu.

Đặt câu hỏi tại sao tăng trưởng không hợp lý, Chủ tịch cho rằng không phải tất cả mọi chuyện đều nằm ở ngân hàng, mà còn liên quan đến tồn kho, bất động sản…

Tình hình tài chính “xấu lắm”

Báo cáo bổ sung của Chính phủ cho thấy, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2012 đạt 743.190 tỷ đồng, tăng 2.690 tỷ đồng so với dự toán, tăng 1.690 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng số tăng thu chủ yếu nhờ vào thu từ dầu thô và thu viện trợ không hoàn lại. Đặc biệt, phát sinh thu ngân sách nhà nước 9.800 tỷ đồng từ khoản thu lãi nước chủ nhà năm 2012 và 10.000 tỷ đồng lãi dầu khí được chia cho nước chủ nhà từ năm 2006-2011 theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, thu từ dầu thô tăng 53.107 tỷ đồng so với dự toán và tăng 28.107 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội: Lạm phát “quá tốt” do điều hành dở 2Mình làm ăn phải có của ăn của để, chứ tiêu thế này có mà chết à? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

“Nếu không có số thu thêm từ lãi dầu khí nước chủ nhà từ các năm trước thì ngân sách năm 2012 sẽ hụt thu, mất cân đối, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chi”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Đồng tình với phân tích này, đặt vấn đề liệu ngân sách giảm có nguyên nhân gì khác ngoài kinh tế suy giảm không, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng không giấu quan ngại: “Tình hình tài chính thế này là tôi thấy xấu lắm”.

Ông cũng phê phán khá gay gắt tình trạng tạm ứng dẫn đến nợ xây dựng cơ bản địa phương lên đến gần 100 nghìn tỷ đồng. Cầm trên tay tập báo cáo về ngân sách, ông sốt ruột, “như vậy là điều hành ngân sách kiểu gì, tiền đâu mà tạm ứng hàng đống gây ra nợ và tạo ra mất cân đối, anh lấy tiền đâu mà ứng, ứng thế mà sập quỹ à. Mình làm ăn phải có của ăn của để, chứ tiêu thế này có mà chết à?”.

Nhìn tổng thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cả báo cáo của Chính phủ dày và dàn trải, thiếu điểm nhấn. Ông yêu cầu cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra đều phải nói rõ các chỉ tiêu nào so với năm ngoái là tốt hơn hay bằng hay chưa đạt và tại sao.

"Các báo cáo cần có sức sống để Quốc hội cùng bàn luận", ông nhấn mạnh.

Trước khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu, các ý kiến thảo luận khác cũng tràn đầy lo ngại về tình hình của nền kinh tế, khi những điểm nghẽn về nợ xấu, hàng tồn kho, bất động sản đều chưa có chuyển biến rõ ràng.

Theo Chính phủ, nếu các khó khăn trong sản xuất kinh doanh như không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn.

Còn theo Ủy ban Kinh tế, yếu tố tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế trong năm 2013 và những năm tới đây sẽ bị sụt giảm. Nếu không sử dụng hợp lý các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thì một mặt năng lực sản xuất của nền kinh tế chưa thể phục hồi nhanh, mặt khác sẽ gây áp lực lên lạm phát.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate