Trong khuôn khổ chuyến thăm, chiều 16/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã đồng chủ trì Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế, chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch Covid-19.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane khẳng định, chủ đề của hội thảo hết sức quan trọng, bởi hai nước đều bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19. Hội thảo là cơ hội hữu ích cho hai Quốc hội được trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác thực hiện vai trò của cơ quan lập pháp về chính sách và xây dựng pháp luật nhằm thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quốc gia sau đại dịch Covid-19 theo tình hình và điều kiện thực tiễn của mỗi nước.
Trên tinh thần là đồng chí, là người bạn thân thiện, Chủ tịch Quốc hội Lào đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo nghiên cứu, tập trung góp ý và thảo luận một cách thẳng thắn, có trách nhiệm cao nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo tốt nhất nội dung dữ liệu để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Quốc hội trong thời đại mới.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ đã tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Lào và Việt Nam. Trong bối cảnh này, với tinh thần khẩn trương chủ động từ sớm từ xa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội Việt Nam đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan hữu quan, tham vấn ý kiến cử tri, nhân dân các chuyên gia, nhà khoa học cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt đã tổ chức diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021.
Kết nối với nhiều điểm cầu trong nước và quốc tế, tập hợp một lực lượng rất lớn, các chuyên gia các nhà khoa học trong và ngoài nước để nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của các nước và đề xuất các chính sách cho Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các chính sách ứng phó với dịch bệnh phát triển kinh tế - xã hội cũng đã từng bước phát huy hiệu quả tích cực đi vào cuộc sống. Việt Nam cũng đã rất tự tin và đã tổ chức một kỳ Sea Games 31, trong đó có sự tham gia đầy đủ các đoàn. Tất cả khán đài đông kín người cho thấy, dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát tốt như thế nào. Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế, chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 là hội thảo đầu tiên trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội vừa được ký kết. Đây là những nội dung quan trọng, thiết thực đóng góp lớn đối với tiến trình phục hồi phát triển nền kinh tế của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những thông tin và bài học kinh nghiệm từ hội thảo sẽ rất hữu ích thiết thực cho mỗi nước trong xây dựng hoặc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế xã hội của hai nước trong tình hình mới.
Trong hơn 3 giờ đồng hồ, các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng nhau thảo luận về nhiều nội dung như kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sau tác động của đại dịch Covid-19; chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam: thực tiễn xây dựng chính sách và bài học kinh nghiệm; kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sau tác động của đại dịch Covid-19; tác động của dịch Covid-19 đối với lĩnh vực xã hội ở Việt Nam và một số gợi ý về chính sách về bảo đảm an sinh xã hội.
Hai tham luận của báo cáo viên Quốc hội Việt Nam về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội dành được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Lào tham dự Hội thảo. Theo đó, không có một công thức chung trong việc thiết kế các gói hỗ trợ, quy mô cũng rất khác nhau, tuy nhiên cần phải có một công thức chung, và phải phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, gói hỗ trợ phải được thiết kế sao cho được hấp thụ nhanh vào nền kinh tế, tập trung vào khu vực có khả năng giải ngân nhanh, ưu tiên các mục tiêu kép, vừa hỗ trợ trực tiếp được doanh nghiệp, người lao động, vừa phục vụ mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, bơm vốn vào nền kinh tế.
Các thành viên Quốc hội và Chính phủ Lào tham dự Hội thảo đều cho rằng, dù quy mô gói hỗ trợ của Lào và Việt Nam khác nhau, tuy nhiên đây đều là những kinh nghiệm hết sức quý báu mà Lào có thể tham khảo để phục hồi kinh tế sau khi vừa mở cửa.
Các đại biểu cũng đã đặt câu hỏi trực tiếp với cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ những câu hỏi liên quan đến chính sách để phát triển kinh tế - xã hội; chính sách tài khóa, quản lý ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng và ngoài ngân hàng; chính sách quản lý giá xăng dầu; chính sách tái cơ cấu ngành du lịch; chính sách miễn, giảm thuế và việc ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lấy ví dụ về việc Quốc hội đã ban hành đã ban hành Nghị quyết 17/2022 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; Quốc hội ban hành ghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch Covid-19…
Cùng là những nước có nguồn ngân sách eo hẹp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ kinh nghiệm thiết kế và phân bổ nguồn vốn cho các gói hỗ trợ huy động từ các Quỹ ngoài ngân sách. Ví dụ Chương trình sóng và máy tính cho em trị giá hàng nghìn tỉ đồng cũng được huy động từ Quỹ viễn thông công ích. Vì vậy mà gói kích cầu rất lớn, tiền được bơm ra thị trường rất nhiều, nhưng lạm phát chỉ có 1,86% trong 6 tháng đầu năm. Đây là thành công rất lớn của Việt Nam trong bối cảnh tốc độ lạm phát lên rất cao ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong điều kiện đặc biệt thì phải có những chính sách đặc biệt, thậm chí phải sửa đổi các luật, chính sách có liên quan. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh càng khó khăn vướng mắc, Quốc hội càng phải đồng hành, chia sẻ, lắng nghe người dân và doanh nghiệp. Từ đó sẽ có những chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống và góp phần quan trọng để hồi phục và phát triển.
Kết luận hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đánh giá cao kết quả đạt được của Hội thảo với nội dung phong phú, đa dạng và đi sâu vào các vấn đề về chính sách, pháp luật để phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và tiếp tục phát triển kinh tế một cách vững mạnh. Đây là những kinh nghiệm quý để Quốc hội Lào có những xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện nay, đồng thời mong muốn các cơ quan của Quốc hội Việt Nam tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với Lào:
Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane bày tỏ hy vọng các đại biểu Việt Nam và Lào sẽ đưa kết quả của hội nghị cũng như bài học quý giá này để nâng cao chuyên môn và áp dụng vào việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và vai trò của mình một cách hiệu quả nhất. Tôi mong rằng, hai cơ quan lập pháp chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức các hội thảo như thế này nhiều hơn nữa để nâng cao trình độ chuyên môn cho đại biểu QH, đại biểu HĐND các tỉnh và các vụ tham mưu để đảm bảo nội dung công tác của hai Quốc hội trong thời đại mới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã trao tặng Ban Thư ký Quốc hội Lào một số thiết bị làm việc. Tặng Trường nội trú tỉnh Champasac, Trường Hữu nghị và Hội người Việt tại 4 tỉnh Nam Lào một số thiết bị học tập với tổng giá trị 5 tỷ đồng. Hai nhà lãnh đạo Quốc hội cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã cùng tham quan toà nhà Quốc hội mới của Lào, món quà hết sức ý nghĩa của Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam trao tặng cho nước bạn Lào.