Chủ tịch tập đoàn ôtô Nhật Bản Toyota, ông Akio Toyoda, đã đặt chân tới Trung Quốc nhằm cứu vãn hình ảnh của hãng tại thị trường xe lớn nhất thế giới. Trung Quốc là thị trường mà Toyota gặp nhiều khó khăn ngay cả trước khi hãng này phải đương đầu với cuộc khủng hoảng thu hồi xe nghiêm trọng đang diễn ra.
Theo tờ Wall Street Journal, Toyota thông báo, ông Toyoda sẽ xuất hiện trong một cuộc họp báo diễn ra tại Bắc Kinh vào tối nay (1/3) để trấn an dư luận trước những lo ngại gia tăng về chất lượng xe của hãng. Ngoài ra, theo dự kiến, ông Toyoda cũng sẽ có những cuộc gặp gỡ với các quan chức cấp cao của Chính phủ Trung Quốc để tái khẳng định về cam kết đối với các vấn đề chất lượng và an toàn xe.
Trước khi tới Trung Quốc, trong tuần qua, ông Toyoda đã trải qua một phiên điều trần đầy căng thẳng trước Quốc hội Mỹ tại Washington DC xung quanh sự cố thu hồi xe. Tại phiên điều trần này, ông Toyoda đã nhắc lại lời xin lỗi đối với người tiêu dùng về sự cố nghiêm trọng này, đặc biệt là nạn nhân của những vụ tai nạn vì lý do an toàn của xe do Toyota sản xuất.
Việc ông Toyoda tới Trung Quốc để “giải trình” cho thấy vai trò quan trọng của thị trường này trong những nỗ lực nhằm ngăn cản sự sa sút hình ảnh đang thấy rõ đối với hãng xe lớn nhất thế giới.
Nếu so với ở Mỹ, thì vấn đề chất lượng xe của Toyota tại Trung Quốc không nghiêm trọng bằng. Toyota đang phải thu hồi khoảng 8,5 triệu xe trên phạm vi toàn cầu vì các lý chân ga có thể mắc kẹt, thảm sàn xe có thể kẹt vào chân ga, và chân phanh không an toàn, trong đó số xe thu hồi tại Mỹ chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tại Trung Quốc, Toyota mới chỉ thu hồi 75.522 chiếc RAV4 trong chiến dịch triệu hồi xe này.
Tuy nhiên, tổng số xe Toyota bị thu hồi tại Trung Quốc trong năm ngoái đã tăng vọt lên mức 989.000 chiếc, từ mức 209.000 chiếc trong năm 2008. Trong đó, tháng 4/2009, Toyota đã phải thu hồi 259.119 chiếc Camry tại Trung Quốc do lỗi chân phanh.
Tuần trước, cơ quan quản lý chất lượng của Trung Quốc đã cảnh báo rằng, Toyota còn có thể phải thu hồi thêm nhiều xe tại Trung Quốc trong đợt này, bao gồm cả những chiếc xe Toyota được đưa vào Trung Quốc không qua những kênh phân phối chính thức.
Là hãng xe lớn nhất thế giới nhưng Toyota chậm chân hơn các đối thủ khác như Volkswagen và General Motors (GM) trong việc mở rộng thị phần tại Trung Quốc. Thực tế này khiến Toyota rơi vào thế bất lợi, vì năm ngoái, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường xe lớn nhất thế giới khi doanh số ôtô tại đây tăng khoảng gấp rưỡi, lên mức 13 triệu chiếc, so với mức 10 triệu chiếc tại Mỹ.
Năm 2009 chứng kiến sự “tụt hậu” của Toyota tại thị trường xe Trung Quốc, khi doanh số của hãng tại đây chỉ tăng có 21%, lên mức 700.900 chiếc. Lý do chủ yếu là Toyota đã không đáp ứng được nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng Trung Quốc đối với những mẫu xe nhỏ và có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt. Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp khuyến khích người dân mua những chiếc xe như vậy, nhưng Toyota đã không dự báo được trước chính sách ưu tiên này.
Theo giới phân tích, triển vọng doanh số của Toyota tại Trung Quốc trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào những nỗ lực cứu vãn hình ảnh cho hãng của Chủ tịch Toyota trong chuyến đi này. Hiện tại, việc xác định ảnh hưởng của sự cố thu hồi đối với Toyota tại Trung Quốc còn khó, vì nước này mới trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate