Công ty CP du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (mã chứng khoán: VTR) vừa chính thức có báo cáo tài chính bán niên 2021 sau một thời gian dài chậm công bố.
Báo cáo ghi nhận, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VTR nửa đầu năm 2021 547 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến VTR lỗ gộp 140 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng cao dẫn đến lỗ trước thuế của VTR 292 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế đến cuối tháng 6/2021, VTR lỗ luỹ kế 326 tỷ đồng, chính thức âm vốn chủ sở hữu 118 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/06/2021, tổng tài sản của VTR ghi nhận hơn 1,922 tỷ đồng, tăng 64 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Nợ phải trả cũng tăng 21% so với cùng kỳ, giá trị gần 2,041 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn hơn 1,191 tỷ đồng (tăng 9%) và nợ vay dài hạn hơn 17 tỷ đồng (giảm 15%). Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 456,7 tỷ đồng. Các yếu tố này dẫn đến kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietravel.
Do chậm trễ trong việc công bố báo cáo tài chính bán niên 2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng đã đưa cổ phiếu VTR vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 08/12/2021. HNX cho biết sẽ có thông báo cho phép VTR được giao dịch trở lại bình thường sau khi công ty này thực hiện công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên 2021 soát xét.
Đại dịch Covid-19 kéo dài gây tác động tiêu cực lên ngành hàng không và du lịch. Chia sẻ tại diễn đàn Kinh doanh năm 2021 do Forbes tổ chức chiều 9/12, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết, ngành du lịch năm 2019 có khoảng 135.000 doanh nghiệp lưu trú với 500 ngàn phòng, 19 triệu khách nước ngoài và 82 triệu lượt khách trong nước, 29.000 hướng dẫn viên và 2.300 doanh nghiệp lữ hành. Riêng Vietravel có 1 triệu khách năm 2019, 64 văn phòng trong nước và 6 văn phòng nước ngoài. Doanh thu trung bình một ngày bình thường là 1,5 triệu USD. Tuy nhiên, dịch xảy ra trở về con số 0.
"Đây là thời gian mà chúng tôi và các bạn chưa ai trải qua, cả kể Sar 2002 cũng không sánh được, năm 2008 - 2010 cũng không so sánh được, là đại dịch thật sự bắt tất cả đứng yên. Chúng tôi sau thời gian hoảng loạn mất 10 ngày choáng, cũng phải tổ chức lại, nhận định dịch không thể một sớm một chiều, chắc chắn kéo dài. Du lịch phụ thuộc vào kinh tế và tâm lý xã hội, kinh tế bị đứng lại và muốn phục hồi phải mất 3-4 tháng, thứ hai, tâm lý xã hội bình tĩnh trở lại sau hoảng loạn ban đầu, thì như vậy sẽ ngành du lịch sẽ mất thời gian để hồi phục.
Nếu không mở cửa giao thông vận tải, giao thương thì gây nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế, không chỉ du lịch phải trả giá mà các thành phần kinh tế khác cũng trả giá theo, chi phí giá thành cao, kinh tế hồi phục chậm so với các nước khác. Bên cạnh đó, rất cần gói hỗ trợ, gói hỗ trợ thời gian qua chưa ổn lắm, chúng tôi muốn gói hỗ trợ đưa thẳng đến doanh nghiệp để doanh nghiệp trả cho người lao động", ông Kỳ đề xuất.