September 15, 2010 | 15:02 GMT+7

Chủ tịch Vinamilk: Ba lý do lãi lớn

Minh Đức

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinamilk nói về triển vọng hoạt động, cũng như quan điểm kinh doanh của doanh nghiệp mình

Bà Mai Kiều Liên - Ảnh: Minh Đức.
Bà Mai Kiều Liên - Ảnh: Minh Đức.
Vinamilk vừa đón loạt sự kiện lớn, gắn với kết quả kinh doanh trong quá khứ và hiện tại, mang định hướng chiến lược phát triển trong tương lai.

Vinamilk vừa trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam có mặt trong Top 200 doanh nghiệp châu Á xuất sắc có doanh thu dưới 1 tỷ USD năm 2010 của tạp chí chuyên xếp hạng Forbes; tiếp đó là sự kiện công ty này lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài với kế hoạch mua 19,3% cổ phần của Công ty Miraka Limited, tại New Zealand; sự kiện chuyển nhượng dự án Nhà máy Cà phê Sài Gòn cho Trung Nguyên…

Những sự kiện trên gắn với kết quả kinh doanh trong quá khứ và hiện tại, mang định hướng chiến lược phát triển trong tương lai của doanh nghiệp này. Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), chia sẻ một số thông tin về chiến lược phát triển đó.

Sẽ cán đích 1 tỷ USD trước hạn

Bà có thể cho biết tình hình hoạt động kinh doanh của Vinamilk trong năm nay như thế nào không?

Từ đầu năm đến nay hoạt động của Vinamilk nói chung rất là tốt. Cho tới bây giờ doanh số đã gần bằng cả năm ngoái rồi, đạt khoảng 9.600 tỷ đồng. Đó là nội địa, chưa nói xuất khẩu. Còn về lợi nhuận thì cũng bằng cả năm ngoái.

Lý do nó được như vậy thứ nhất chúng tôi thay đổi hẳn về quản lý kinh doanh, đặc biệt là việc phát triển và quản lý các điểm lẻ. Con số phát triển mạng lưới này được quản lý chặt để thật chứ không phải ảo. Và đi cùng với đó là sự phát triển của thị phần. Toàn quốc hiện có khoảng gần 300.000 điểm lẻ trong kinh doanh sản phẩm sữa, thì Vinamilk đã chiếm được khoảng 160.000 điểm. Kế hoạch trong 3 năm tới của chúng tôi là phải phủ được hết 300.000 điểm đó.

Năm nay kế hoạch đặt ra là doanh số 14.000 tỷ đồng, chúng tôi cố gắng đạt được trên 15.000 tỷ đồng. Còn mục tiêu 1 tỷ USD vào năm 2012 thì anh em cố gắng trong năm 2011, kỷ niệm 35 năm thành lập Công ty, sẽ đạt được con số đó, vượt kế hoạch trước 1 năm.

Thế còn về định hướng tăng vốn để mở rộng quy mô và lợi ích của các cổ đông, thưa bà?

Nếu chúng tôi muốn tăng vốn thì cũng phải có lộ trình. Tăng vốn nó như con dao hai lưỡi. Ví dụ như anh tăng vốn cao quá và dự kiến lợi nhuận những năm sau anh không tăng tương ứng thì rõ ràng những chỉ số thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp nó sẽ xấu hơn những năm trước.

Vinamilk từ khi cổ phần hóa vốn là 1.700 tỷ đồng, thì mới vừa rồi chúng tôi mới tăng lên 1:1, tức là gấp đôi. Trong suốt từ 2003 cổ phần hóa đến 2009 - 2010 mới tăng vốn. Tùy theo mỗi công ty, nên tăng vốn lúc nào và như thế nào. Và vừa rồi Vinamilk tăng vốn là từ cổ phiếu thưởng, chứ không phải nộp thêm tiền, do có thặng dư nên không thành vấn đề.

Năm ngoài chúng tôi trả cổ tức 40%. Năm nay đã tạm ứng 30% rồi, 30% theo phần vốn đã tăng thêm. Chúng tôi tăng vốn nhưng vẫn đảm bảo lợi ích của cổ đông, làm sao cho việc tăng vốn hài hòa. Để lợi ích cao ngắn hạn, chia lợi nhuận ngay thì dễ lắm, nhưng phải nhìn dài hạn, trích lợi nhuận để đầu tư là cho lợi ích dài hạn và hợp lý.

Lợi nhuận không lớn thì gửi ngân hàng còn hơn

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, bà nói gì về lợi nhuận, giá sản phẩm và lợi ích người tiêu dùng?

Câu chuyện về giá ở Vinamilk thì thế này. Nếu mà so sánh giá cả của Vinamilk thì chúng tôi chất lượng là quốc tế, hiện các sản phẩm của chúng tôi đều đạt được tiêu chuẩn quốc tế, nhưng giá (ví dụ sữa bột cho trẻ em) chỉ bằng 1/3 so với giá nhiều loại trên thị trường. Nhiều người nói tại vì là do mình bán không được nên mình để giá rẻ. Nhưng trong thị trường này rất cạnh tranh, nếu chúng tôi đưa lên bằng 1/2 thì sẽ ảnh hưởng đến thị phần. Những năm trước thị phần chỉ 17% thì năm nay đã là 25% rồi.

Tăng giá lên thì cũng tăng được nhưng giá ảnh hưởng rất lớn người tiêu dùng. Thu nhập của người dân nước mình chưa được bằng nhiều nước khác nên cố gắng để làm sao mọi tầng lớp có thể uống sữa được với một chi phí hợp lý.

Hiện nay tôi chưa thấy giá sản phẩm nào của chúng tôi cao hơn nước ngoài, trong khi chất lượng không thua. Chưa kể là chúng tôi thu mua nguyên liệu cho nông dân là cao hơn giá thế giới.

Còn lý do vì sao Vinamilk có lợi nhuận lớn, thứ nhất là vốn lớn. Nếu vốn lớn mà anh không tạo được lợi nhuận lớn thì các cổ đông họ gửi ngân hàng còn hơn. Ít nhất lợi nhuận anh cũng phải bằng lãi suất ngân hàng cái đã. Thứ hai là doanh thu của chúng tôi lớn và tăng trưởng nhanh, tăng trưởng trên 50% đẩy lợi nhuận tăng theo. Thứ ba, không chỉ là doanh thu mà quan trọng là sản lượng cũng tăng trưởng khoảng 40%.

Chúng tôi kinh doanh mỗi một đơn vị thì lợi nhuận nó thấp thôi nhưng mình lấy cái số tuyệt đối lớn vì lượng nó nhiều.

Mỗi công ty có một cách kinh doanh. Có một số người thì đưa thương hiệu thật cao, giá thật cao nhưng bán được ít, “đánh” vào tầng lớp trung lưu, cao cấp. Chúng tôi thì bao nhiêu năm nay, từ khi thành lập đến giờ quan niệm là đại trà, lấy chất lượng và sản lượng là quan trọng. Nó tương xứng thôi, vì giá cao mình cũng khó cạnh tranh mà cũng khó bán.

Như bà nói, Vinamilk đã có tốc độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt là về sản lượng. Vậy khả năng chủ động nguồn nguyên liệu trong tương lai như thế nào?

Việc tập trung cho vùng nguyên liệu thì chúng tôi là từ những năm 90 - 91, từ khi có dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng thì chúng tôi bắt đầu tập trung đầu tư. Một thời gian dài chúng tôi tập trung đầu tư vào người nông dân, đầu tư, cam kết với giá ổn định, đảm bảo bao tiêu. Phong trào chăn nuôi bò sữa cũng phát triển dần lên. Nhưng khoảng cách đây 3 năm chúng tôi thấy yêu cầu nguyên liệu càng ngày càng lớn thì mình phải tự làm.

Ở Việt Nam thì nó có những khó khăn về khí hậu, đất đai. Mình không có mấy trăm ngàn ha để mà cho bò chạy thoải mái. Như New Zealand họ có 3 triệu dân mà có tới 3 triệu con bò. Mình thì đất chật người đông. Cho nên chúng tôi xây dựng các trang trại hạt nhân, như Tuyên Quang, Thanh Hóa, Bình Định, Nghệ An, Lâm Đồng. Hiện có 5 trại, mỗi trại chúng tôi dự định 2.000 con là tối đa.

Nếu để đảm bảo nguyên liệu cho Công ty trong vòng 5 năm tới thì phải đảm bảo 1,3 tỷ lít, nhưng hiện giờ trong nước chỉ khoảng 200 triệu lít thôi, hiện chủ yếu là của người nông dân. Cho nên phải đảm bảo phát triển gấp 5 lần hiện nay mới được. Cho nên chúng tôi dự kiến năm nay có 5.000 con, sang năm khoảng 10.000 con và sang năm sản lượng sữa sẽ gấp 5 lần năm nay từ các trang trại. Đến năm 2015 thì cố gắng đảm bảo khoảng 45% - 50% nguyên liệu là tự túc và cố gắng trong vòng 10 năm tới thì sẽ thay thế được tương đối.

Để đảm bảo cho sản lượng tăng nhanh, chúng tôi cũng đã có kế hoạch từ hai năm trước. Tháng 8 năm tới sẽ đưa nhà máy tại Đà Nẵng vào hoạt động với vốn đầu tư 30 triệu USD, có hai mặt hàng là sữa chua và sữa nước. Cuối năm 2012 có nhà máy rất lớn là nhà máy sữa nước công suất ban đầu là 400 triệu lít mỗi năm, giai đoạn 2 là 800 triệu lít với vốn đầu tư là 120 triệu USD tại Bình Dương). Rồi nhà máy sữa bột cho trẻ em 55 ngàn tấn, công suất gấp 4 lần công suất nhà máy hiện nay với vốn đầu tư khoảng trên 100 triệu USD, cuối năm 2012 sẽ đi vào hoạt động.

Các kế hoạch đầu tư đó là chúng tôi chủ động, chủ động cả nguồn vốn. Từ trước đến nay hầu như Vinamilk không đi vay vì có lợi nhuận và tái đầu tư hiệu quả để thu hồi vốn nhanh.

Giá sữa sẽ phải biến động

Vinamilk có chính sách giá sản phẩm khác với nhiều doanh nghiệp khác trong ngành. Nhưng liệu sắp tới giá sẽ lại tiếp tục tăng không, thưa bà?

Thật ra cực chẳng đã thì mới phải tăng giá, đặc biệt là với các doanh nghiệp trong nước muốn tăng giá vì nó ảnh hưởng rất lớn tới doanh số trong thời gian dài và đặc biệt là nó gây một tâm lý khó chịu đối với người tiêu dùng.

Chúng tôi đang suy nghĩ vì giờ Hội Nông dân cũng có yêu cầu Vinamilk tăng giá thu mua sữa tươi, vì giá thức ăn chăn nuôi lên cao quá rồi. Mặc dù hiện nay chúng tôi thu mua với giá cao hơn của châu Âu. Đa số hộ nông dân cũng yêu cầu chúng tôi nâng giá thu mua sữa. Nếu chúng tôi tăng giá thu mua lên thì vấn đề giá đầu ra như thế nào thì đang suy nghĩ, nhiều phương án đang được tính. Trong giá sản phẩm thì nguyên liệu chiếm tới khoảng 70% - 80%.

Còn về sự biến động, tôi nghĩ đương nhiên là phải biến động. Ít nhất là về lạm phát. Ví dụ Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá USD/VND lên thêm hơn 2%, cái đó là khách quan. Tôi không biết từ nay đến cuối năm và sang năm tỷ giá có nâng lên nữa hay không. Nhưng nguyên liệu nhập tính theo ngoại tệ mà.

Rồi lạm phát tăng, nhu cầu tăng lương cho cán bộ công nhân viên để bù đắp cũng phải tính đến. Lạm phát 10% mà mình vẫn giữ lương của cán bộ công nhân viên nguyên như vậy thì cũng không được…

Còn khả năng tăng giá thì chúng tôi phải tính toán, nhất là gắn với sự ảnh hưởng đến thị phần. Cũng là một phương án, ví dụ lợi nhuận đã đảm bảo thì có thể doanh nghiệp sẽ chia sẻ với người dân và Chính phủ bình ổn giá bán. Nói chung các phương án đang được tính toán.

Nhiều người tiêu dùng vẫn có tâm lý giá càng cao thì chắc là chất lượng tốt hơn và họ quyết định mua?

Đúng là có tâm lý đó. Tâm lý đó hiện Vinamilk đang cố gắng thay đổi.

Cạnh tranh chứ không phải thâu tóm

Năm 2003 Vinamilk cổ phần hóa. Sau cổ phần hóa bà nhận thấy có những khác biệt gì đáng chú ý so với trước đó?

Có nhiều khác biệt, nhưng tôi thấy khác biệt lớn nhất là thủ tục, thủ tục trong hoạt động sản xuất kinh doanh ngắn gọn hơn. Ngày xưa mình muốn đầu tư một cái gì đó thì quy trình xin phép rất là dài, giờ nó gọn lại, chỉ cần đại hội cổ đông thống nhất chiến lược, Hội đồng Quản trị có phân cấp theo các mức dự án, quy chế đầu thầu, rồi biểu quyết thông qua và mình theo đó làm thôi.

Sau khi cổ phần hóa thì quy trình đó nó ngắn hơn hẳn thì công việc triển khai nó nhanh hơn, hiệu quả hơn, vì thời gian nó là vàng là bạc mà.

Bà nhận định thế nào về áp lực cạnh tranh đối với Vinamilk hiện nay và trong thời gian tới?

Cạnh tranh thì năm nào cũng có, không có đơn vị này thì có đơn vị khác ở trong thị trường. Chúng tôi chiến đấu với các tập đoàn đa quốc gia nhiều lắm rồi. Cuối cùng tôi cũng chỉ nói thế này: Thời gian sẽ trả lời. Vì có cái thuận lợi, có cái khó khăn.

Vinamilk không bao giờ tự mãn, không bao giờ coi thường đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi tôn trọng và học hỏi. Kinh doanh một ngành không phải đơn giản, không thể hôm nay sinh ra và ngày mai trưởng thành ngay 18 tuổi, mà phải có một quá trình.

Những năm gần đây một số thông tin đề cập đến một hướng đi của Vinamilk là thâu tóm những đối thủ nhỏ. Bà có bình luận gì không?

Mấy năm vừa rồi Vinamilk mua lại trang trại bò của Tuyên Quang, vừa rồi mua lại của Đường Lam Sơn (ở đây chúng tôi đã có tới 60% rồi nên 40% còn lại Đường Lam Sơn muốn tập trung cho ngành đường và để Vinamilk quản lý luôn)…

Nói thâu tóm thì không phải là thâu tóm. Vì thực ra giờ ai cũng muốn chuyên tâm vào ngành của mình. Và chúng tôi mua lại những đầu mối đó chủ yếu cũng là vì các trang trại bò chứ không phải vì phần chế biến, chủ yếu là vì nguyên liệu thôi. Với lại việc xây dựng các trang trại bò rất phức tạp, nhất là về đất đai, mỗi lần đi xin thủ tục rất khó khăn…

Thị trường hiện nay là thị trường mở. Quan điểm của tôi là cạnh tranh, cạnh tranh để chiếm thị phần chứ không phải thâu tóm.

Nếu nghĩ là áp lực thì rất nặng nề

Thời gian qua nhiều nguồn tin đề cập đến câu chuyện Vinamilk sẵn sàng chi các khoản lớn để kêu gọi những nhân sự trình độ cao. Vậy chính sách ưu đãi hiện nay của Vinamilk như thế nào, thưa bà?

Chính sách lương của cán bộ nhân viên cũng như Ban điều hành của chúng tôi thì thế này. Chúng tôi thuê một tổ chức độc lập thứ ba, một công ty của Mỹ, họ chuyên về lĩnh vực tiền lương, tiền thưởng. Họ khảo sát cho chúng tôi 10 công ty đa quốc gia có doanh số và quy mô như Vinamilk và đưa cho chúng tôi xem lương trả như thế nào, các chế độ đãi ngộ ra sao.

Kết quả, lợi nhuận của họ không bằng chúng tôi, nhưng để hài hòa giữa Việt Nam với các công ty đa quốc gia, chúng tôi thống nhất trả bằng một nửa lương của thị trường. Chúng tôi có thể trả được bằng họ, nhưng trước mắt là trả một nửa và thực hiện từ từ.

Xin hỏi bà một câu bên lề. Khi chèo lái một con thuyền lớn, bà có chịu nhiều áp lực không?

Nhiều người cũng hỏi tôi như thế. Bản thân tôi thì không thấy áp lực, mà cứ thấy việc nó đến, việc mình phải làm, trách nhiệm phải mang là đương nhiên. Nếu mình cứ nghĩ là áp lực thì sẽ rất nặng nề. Tôi cảm thấy thoải mái.

Với công ty này chúng tôi đã gắn bó với nhau hơn 30 năm, anh em rất hiểu nhau. Chúng tôi là một khối, một gia đình. Đối với người lãnh đạo thì quan trọng tập thể là một khối đoàn kết, chứ còn 3 phái, 5 phái thì không thể làm ăn gì được, cam đoan là vậy, vì không có thời gian để nghĩ đến những chuyện đó và không ai say sưa với một công ty mà nội bộ không đoàn kết như thế. Cho nên cần là một khối, cùng một hướng và như thế sẽ giảm áp lực cho ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên.

Tất nhiên, kinh doanh là căng thẳng, ai không muốn căng thẳng thì đừng làm kinh doanh. Với các phòng ban, áp lực đối với họ là nhiều chứ.

Thành công ở Vinamilk là việc xử lý công việc rất nhanh. Chúng tôi không có tầng tầng lớp lớp. Chúng tôi có các giám đốc điều hành các mảng và họ có toàn quyền xử lý. Khi có khó khăn, cần ý kiến đến tôi thì tôi xử lý thật nhanh. Không có chuyện nói việc này mà 3 - 4 ngày sau mới đưa ra là không có, mà quy định với nhau là trong vòng 1 ngày anh phải trả lời yêu cầu của các bộ phận khác. Các khối liên kết với nhau như thế. Còn nếu khó khăn thì cùng nhau giải quyết. Kinh doanh thì phải rất nhanh.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate