Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã đạt một số kết quả bước đầu, giúp hàng trăm ngàn hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Đến nay mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu, trong đó nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 với 62.700 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 với 93.090 căn hộ.
Theo Bộ trưởng, báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ ra, giai đoạn 2016-2020 đã phân bổ 3.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 35% nhu cầu giai đoạn này để cho các cá nhân vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Còn đối với các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định không được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội, nên giai đoạn 2016-2020, không có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nào được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Đến tháng 10/2022, trên cả nước giải ngân được 2.306 tỷ đồng cho 6.673 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định của Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng còn một số tồn tại, hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội, mà cụ thể về quy định pháp luật vẫn có vướng mắc. Bên cạnh đó, ngân sách trung ương chưa được bố trí đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình...
Ngoài ra, việc dành quỹ đất 20% thuộc các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại cũng chưa thực hiện triệt để, hoặc chưa sử dụng đúng mục đích; thiếu quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi ở các đô thị lớn; nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân; chưa quan tâm đúng mức tới việc hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội theo quy định.
Vì vậy, thời gian tới phải tiếp tục tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan, trong đó, sửa đổi các cơ chế, chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp… Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2. Đồng thời, đang tiếp tục triển khai 401 dự án với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn với tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2.