Tính đến ngày 30/10, có tổng cộng 884/1.631 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh trong quý 3/2023. Trong đó, số doanh nghiệp báo lãi trên thị trường là 709 doanh nghiệp, số doanh nghiệp báo lỗ là 175 doanh nghiệp; Còn lại 747 doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính.
Trong đó, Xây dựng và Vật liệu Xây dựng là nhóm ghi nhận nhiều doanh nghiệp báo lỗ nhất trong quý 3 vừa qua với tổng số 51 doanh nghiệp ghi nhận thua lỗ, 97 doanh nghiệp báo lãi và còn 192 doanh nghiệp chưa công bố trên tổng số 340 doanh nghiệp. Tiếp theo là Hàng và Dịch vụ Công nghiệp với 21 doanh nghiệp báo lỗ và 99 doanh nghiệp báo lãi trên tổng số 265 doanh nghiệp. Thứ ba là nhóm Thực phẩm và đồ uống với 17 doanh nghiệp báo lỗ và 67 doanh nghiệp báo lãi trên 152 doanh nghiệp.
Nhóm Xây dựng và Vật liệu cũng là nhóm có mức giảm doanh thu mạnh nhất nhì thị trường trong quý 3 với mức giảm 15,3% chỉ đứng sau Ô tô và Phụ tùng 19,1%. Tính từ đầu năm đến nay, doanh thu nhóm Xây dựng và Vật liệu giảm 16,8%; Lợi nhuận giảm 22,8%.
Một số doanh nghiệp lớn ghi nhận lỗ trong quý 3 vừa qua điển hình như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Doanh thu thuần trong kỳ của HBC chỉ bằng một nửa cùng kỳ với hơn 1.893 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn, lãi gộp còn gần 40 tỷ đồng tương ứng giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí lãi vay tăng cao dẫn tới HBC lỗ ròng gần 169 tỷ đồng trong quý 3/2023, trong khi cùng kỳ lãi hơn 6 tỷ đồng. Khoản lỗ trong quý 3 cũng đã nâng mức lỗ ròng lũy kế của HBC trong 9 tháng lên xấp xỉ 880 tỷ đồng cùng kỳ lãi gần 64 tỷ đồng.
Ngoài HBC, CC1 cũng báo lãi giảm mạnh 21% còn 38 tỷ đồng; LCG bão lãi 25 tỷ giảm 17% trong quý 3; lũy kế 9 tháng, lãi ròng LCG đạt gần 56 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ.
Ông lớn ngành xây dựng liên tiếp trúng thầu nhiều gói thầu giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng tại sân bay Long Thành thời gian vừa qua như Vinaconex cũng báo lãi giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế quý 3/2023 ghi nhận 27,38 tỷ đồng giảm 221,88 tỷ đồng so với năm ngoái tương ứng giảm 89%. Nguyên nhân chính do giá vốn hoạt động kinh doanh tăng cao hơn so bới cùng kỳ. Đồng thời, từ đầu năm 2023 đến nay các công ty con công ty liên kết trong hệ thống đều ảnh hưởng bởi khó khăn của nền kinh tế dẫn đến lợi nhuận giảm.
Nhóm Vật liệu Xây dựng có Xi măng Bỉm Sơn lỗ quý thứ 5 liên tiếp với khoản lỗ 56 tỷ đồng. Trong quý 3, Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận doanh thu thuần hơn 660 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ, doanh thu chủ yếu đến từ sản xuất xi măng, clinker. Sau khấu trừ, lãi gộp còn gần 19 tỷ đồng, giảm 55%. Do đó, biên lãi gộp cũng giảm từ 4% cùng kỳ xuống còn 3%. Với kết quả kinh doanh toàn thua lỗ từ đầu năm 2023, lũy kế 9 tháng, BCC lỗ ròng gần 108 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 94 tỷ đồng.
Thép SMC cũng lâm nạn báo lỗ 164 tỷ đồng trong quý 3 vừa qua khi tình hình bất động sản tiếp tục đóng băng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, SMC ghi nhận doanh thu thuần gần 10.600 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Công ty lỗ ròng 550 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 58 tỷ đồng. Cuối tháng 9/2023, SMC có hơn 1.300 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 98% là nợ ngắn hạn. Phần lớn đến từ các công ty bất động sản có liên quan tới Novaland.
Lilama 45.3 cũng báo lỗ sau thuế 760 triệu đồng đánh dấu quý lỗ thứ 9 liên tiếp trong quý 3 vừa qua. Theo báo cáo tài chính quý 3/2023, L43 không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào từ hoạt động sản xuất kinh doanh bởi các hợp đồng thuộc dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM vẫn đang tạm dừng thi công, trong khi hợp đồng ký mới quý 3/2023 chưa đến giai đoạn nghiệm thu thanh toán.Kết thúc quý, L43 lỗ sau thuế 764 triệu đồng, cao hơn mức lỗ 432 triệu đồng của cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của L43 đạt gần 3 tỷ đồng, giảm 74%. Lỗ sau thuế 10,8 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ gần 5 tỷ đồng của cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá nhóm Xây dựng và Vật liệu cũng quay đầu giảm mạnh trong bối cảnh thị trường chịu áp lực điều chỉnh chung và lợi nhuận nhóm này không được như kỳ vọng.