Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung các biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
PHÂN ĐỊNH RÕ HÀNH VI CHẬM ĐÓNG, TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM
Hiện nay, Bộ luật Hình sự đã quy định về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động (Điều 216).
Hội đồng Thẩm phán đã có Nghị quyết số 05/2019/HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng 3 điều này. Tuy nhiên, trên thực tế, do còn hiểu khác nhau, khó khăn trong xác định hành vi, xác định yếu tố lỗi và các yếu tố khác cấu thành tội phạm giữa các văn bản, nên mặc dù tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn diễn biến phức tạp và hầu như chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử.
Để khắc phục bất cập của việc tổ chức thực hiện luật hiện hành khi xử lý các vụ việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Ủy ban Xã hội cho biết dự thảo Luật sửa đổi được chỉnh lý, theo hướng làm rõ và tách riêng các điều về xác định chậm đóng, trốn đóng, xử lý chậm đóng, xử lý trốn đóng.
Việc này, để phân định rõ hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, qua đó có thể áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, và các cơ quan rà soát, nghiên cứu nhằm sửa đổi Nghị quyết 05/2019 để bảo đảm thống nhất, rõ ràng, phù hợp, và áp dụng được trong xử lý các vụ việc cụ thể trên thực tiễn.
Cũng tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan có liên quan đã thống nhất tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn.
Bởi việc áp dụng chế tài này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dừng mọi hoạt động kinh doanh, không còn cơ hội tạo nguồn thu, và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cả người lao động và doanh nghiệp.
Hơn nữa, dự thảo Luật do Chính phủ trình quy định việc áp dụng chế tài này, nhưng không có quy định nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp từng bước khắc phục việc chậm đóng.
Mặt khác, pháp luật về quản lý thuế còn quy định các biện pháp nhằm tiếp tục duy trì hoạt động của doanh nghiệp, khi bị áp dụng chế tài ngừng sử dụng hóa đơn, như việc doanh nghiệp phải nộp ngay 18% doanh thu trên hóa đơn bán lẻ đề xuất được tiếp tục sử dụng.
Ngoài ra, chưa xử lý được vướng mắc trong mối quan hệ khi doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhưng vẫn phát sinh và duy trì nghĩa vụ nộp thuế...
Về quy định chế tài tạm hoãn xuất cảnh, dự thảo Luật đã bổ sung tại khoản 4 Điều 40, theo hướng không quy định trực tiếp, mà dẫn chiếu quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 2 Điều 140 để sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 như sau: “d) Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện cho tổ chức đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội”.
Việc này để thống nhất với quy định tại khoản 5 Điều 36 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam về trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là “người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.
BỔ SUNG CƠ CHẾ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, giúp người lao động được ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định, góp phần giải quyết một phần khó khăn, vướng mắc thực tế nhiều năm qua, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung Điều 41 quy định cơ chế có tính chất “đặc thù” để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tuy nhiên, có ý kiến còn băn khoăn đây là nội dung chính sách mới, liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cũng như quyền lợi của người lao động, nên cần được nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, rà soát từng trường hợp, điều kiện cụ thể để đưa ra giải pháp phù hợp.
Theo Ủy ban Xã hội, quy định như dự thảo Luật mới xác định cụ thể một số trường hợp để tạm thời xác nhận, hoặc xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, mà chưa đề cập giải pháp xử lý trong những trường hợp cần thiết khác.
Ví dụ như trường hợp sau khi chia, hợp nhất, sáp nhập..., người sử dụng lao động mới thực hiện toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ thanh toán nợ bảo hiểm xã hội thay cho người sử dụng lao động cũ; trường hợp người sử dụng lao động đã trừ tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội, nhưng vẫn chậm đóng, trốn đóng mà không thu hồi được...Những điều này sẽ dẫn đến thiệt thòi cho người lao động.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, chưa nên quy định ngay trong Luật, nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước. Nếu xét thấy cần thiết thì thực hiện thí điểm để giải quyết các tình huống cấp bách, bảo đảm quyền lợi của người lao động, và phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2023, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 22.000 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền chậm đóng các đơn vị đã khắc phục là trên 2.023 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023, số tiền chậm đóng chỉ chiếm 2,69% số phải thu, đây là tỷ lệ thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% năm 2016 xuống còn 2,69%.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 10 chương với 142 điều, tăng thêm 6 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023.