May 29, 2024 | 17:00 GMT+7

Chưa sáp nhập Lạc Dương vào Đà Lạt

Ban Mai -

Việc sắp xếp, sáp nhập để mở rộng 02 TP. Đà Lạt và Bảo Lộc sẽ chuyển sang giai đoạn 2026 – 2030, thay vì thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025…

Diện tích thành phố Đà Lạt sẽ rộng gấp 4,3 lần sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương.
Diện tích thành phố Đà Lạt sẽ rộng gấp 4,3 lần sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương.

Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa có Nghị quyết số 29 (ngày 24/5/2024) về việc điều chỉnh mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn. 

Theo đó, trong giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện nhập đơn vị hành chính huyện Lạc Dương vào đơn vị hành chính TP. Đà Lạt. 

Điều chỉnh địa giới hành chính 05 xã của huyện Bảo Lâm là: Lộc An, Lộc Nam, Tân Lạc, Lộc Thành và Lộc Tân vào TP. Bảo Lộc. 

Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã có đồng thời cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn…

Trước đó, ngày 25/9/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Kế hoạch số 8358 về lộ trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. 

Cụ thể, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Lạc Dương là đơn vị hành chính nông thôn sẽ được nhập vào TP. Đà Lạt, là đơn vị hành chính đô thị; điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số 05 xã là: Lộc An, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc và Lộc Tân của huyện Bảo Lâm nhập vào TP. Bảo Lộc.

Theo lộ trình, năm 2024, Lâm Đồng sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nêu trên; tiến hành sắp xếp, kiện toàn bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này; tập trung giải quyết chế độ chính sách dôi dư tại các cơ quan, đơn vị; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị. 

Tỉnh Lâm Đồng sẽ hoàn thành thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của các cơ quan, đơn vị đã thay đổi địa giới, tên gọi. 

Trong năm 2025, tỉnh sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; trong đó, có các đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp.

Tuy nhiên, đến ngày 14/5/2024, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2028 nêu ý kiến việc sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP. Đà Lạt sẽ ảnh hưởng đến các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị như: phải hạ từ đô thị loại I trực thuộc tỉnh xuống đô thị loại II, do giảm tiêu chí về mật độ dân số. 

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, đánh giá kỹ các phương án, phạm vi sắp xếp để hạn chế tối đa tác động chất lượng đô thị và các tác động bất lợi khác, nếu phải hạ loại đô thị.

Theo Bộ Xây dựng, phương án sắp xếp, mở rộng TP. Bảo Lộc phải đảm bảo toàn bộ diện tích đơn vị hành chính và các phường nội thị phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt. 

Tuy nhiên, theo phương án hiện tại của tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ số phường mới đạt 53% so với tổng số đơn vị hành chính trên địa bàn, chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 26 (ngày 21/9/2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 (ngày 25/5/2016) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị". Do đó, tỉnh Lâm Đồng cần xây dựng lại phương án sắp xếp các đơn vị hành chính mới…

 

Theo Bộ Xây dựng, TP. Đà Lạt sau nhập huyện Lạc Dương giai đoạn 2023-2025 sẽ có dân số tăng lên hơn 293.000 người (huyện Lạc Dương đang có hơn 35.000 người), diện tích tăng lên 1.704 km2 (huyện Lạc Dương gần 1.314 km2), mật độ dân số hơn 1172 người/km2.

Khu vực nội thị của Đà Lạt dự kiến là 12 phường - gồm 11 phường hiện hữu và thị trấn Lạc Dương thành phường Langbiang. Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, sau sáp nhập thì Đà Lạt đạt tiêu chí đô thị loại II, trong khi hiện nay, thành phố này đang loại I.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate