July 13, 2023 | 10:00 GMT+7

Chưa thông qua dự thảo Quy hoạch thành phố Cần Thơ

Ban Mai -

Số liệu về dân số trong dự thảo quy hoạch TP. Cần Thơ đã không sát với thực tế là một trong những nguyên nhân khiến tờ trình này đã không được HĐND thành phố thông qua…

Chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ.
Chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ.

Dự thảo nghị quyết về Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được UBND TP. Cần Thơ trình HĐND thành phố tại kỳ họp thứ 11, khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên, dự thảo chưa được thông qua lần này.

VÊNH SỐ LIỆU GIỮA DỰ THẢO QUY HOẠCH VỚI THỰC TẾ

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, trong dự thảo nêu mục tiêu đến năm 2030 quy mô dân số thành phố đạt 1,375 triệu dân, nhưng theo quản lý của Công an Cần Thơ, tới thời điểm hiện nay số nhân khẩu quản lý là 1.381.980 người, số này đã vượt số dự kiến trên.

Vì vậy, ông Trường lưu ý dân số ước tăng 1,7-1,8 triệu dân vào năm 2030; ước đến năm 2050 từ 2,2-2,5 triệu dân.

Về các trục phát triển, ông Trường đề nghị bổ sung tuyến đường Vành đai phía Tây vào trục phát triển. Về 3 vùng phát triển, ông Trường đề nghị vùng thứ nhất bổ sung thêm quận Ô Môn.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, khu vực ngoại thành, ông đề nghị phấn đấu quy hoạch luôn các thị trấn trong dự thảo thành đô thị loại 2, 3 và nâng cấp các xã thì không nêu cụ thể…

Còn về phát triển hệ thống hạ tầng du lịch, đề nghị không nên “ấn” con số 18 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4-5 sao, nên cân nhắc khoảng mở để phấn đấu quyết tâm cao hơn…

Sau khi nghe giải đáp của Sở Kế hoạch và Đầu tư và giải trình của UBND thành phố, ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ, cho rằng những số liệu chưa chuẩn, lẽ ra trong quá trình diễn ra kỳ họp này hoặc là trước khi thông qua nghị quyết này, UBND phải có con số chính thức để chủ tọa tu chỉnh theo, nếu như đó là vấn đề kỹ thuật...

Ông Hiểu đề nghị UBND TP. Cần Thơ tiếp tục tu chỉnh hết các sai sót và phải thông qua Ban Thường vụ trước khi trình HĐND thành phố thông qua vào lần sau…

Theo đó, dự thảo nghị quyết về quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đã được các đại biểu nhất trí không thông qua tại kỳ họp lần này.

TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ SINH THÁI SÔNG NƯỚC CẤP VÙNG

Theo Tờ trình thông qua Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, của UBND TP. Cần Thơ, phạm vi ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ TP. Cần Thơ, tổng diện tích tự nhiên là 1.440,4 km2, gồm: 09 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó 05 quận (Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Răng) và 04 huyện (Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai).

Cần Thơ sẽ được phát triển cân đối cả 03 lĩnh vực: kinh tế, văn hoá – xã hội, môi trường.

Đến năm 2030, Cần Thơ là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long, đô thị loại 1 trực thuộc trung ương, với tính chất là thành phố sinh thái, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tăng trưởng kinh tế thời kỳ 10 năm 2021 – 2030 từ 9,5%- 10,5%. Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp, Công nghiệp – Xây dựng, Dịch vụ. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 228,4 triệu đồng vào năm 2030. Năng suất lao động trung bình đạt 362,5 triệu đồng vào năm 2030.

Dân số dự kiến đạt 1,375 triệu người vào năm 2030.

Đất xây dựng đô thị bình quân 150-200 m2/người, đất dân dụng các khu đô thị bình quân 80-90 m2/người. Diện tích nhà ở bình quân 29,8 m2/người đến năm 2030.

Dự kiến tổng diện tích nhà ở tăng thêm 5,4 triệu m2 sàn giai đoạn 2020-2025, đạt mức 6,7 triệu m2 sàn giai đoạn 2026 – 2030.

Đến năm 2030, chất lượng không khí của TP. Cần Thơ cơ bản được kiểm soát, nồng độ các thông số chất lượng không khí nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Về quy hoạch, TP. Cần Thơ sẽ tập trung phát triển theo các hướng.

Vùng lõi đô thị và ngoại ô gồm 05 quận: Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Cái Răng, Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Phong Điền. Đây là vùng tập trung các công năng đô thị, dân cư mật độ cao, giá trị tài sản lớn, được  xác định trở thành một vùng kỹ thuật hạ tầng thuỷ lợi, chống ngập lụt, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vùng còn lại là các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh được định hướng phát triển đô thị hoá, chuyển đổi cơ cấu đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp…

Hai trục dọc, ba trục ngang: Phát triển thêm một tuyến dọc theo cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; hai tuyến ngang ven cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và đường liên vùng Ô Môn – Giồng Riềng, tận dụng hiệu quả kết nối hạ tầng.

3 vùng phát triển bao gồm: Vùng thứ nhất, tập trung phát triển mật độ cao, trong phạm vi lộ Vòng cung, lưu vực sông Cần Thơ, tạo thành một đô thị trung tâm sầm uất với những công năng dịch vụ cấp vùng: y tế, giáo dục, thương mại, văn hoá, logistisc, chế biến nông sản… Vùng thứ hai (phía Bắc) phát triển kinh tế mới ven sông Hậu, vùng công nghiệp lớn Vĩnh Thạnh, nông trường Sông Hậu, vùng đô thị quanh Thới Lai. Vùng thứ ba (phía Tây cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ- Sóc Trăng), phát triển sinh kế mới: du lịch sinh thái sông nước, trang trại, năng lượng mặt trời…

9 vùng liên huyện: đảm bảo phát triển đồng bộ, giảm thiểu chênh lệch thành thị - nông thôn, góp phần vào phát triển Cần Thơ trở thành đô thị sinh thái.

18 vùng chức năng nhằm hướng tới phát triển TP. Cần Thơ thành một tổ hợp trung tâm dịch vụ, khoa học, công nghệ của đồng bằng sông Cửu Long, các vùng có chức năng riêng nhưng có kết nối với nhau…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate