August 10, 2012 | 11:10 GMT+7

Chuẩn bị chất vấn Thống đốc về nợ xấu

Nguyên Vũ

Chiều 21/8, Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nợ xấu

Một phiên chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một phiên chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ 13- 22/8 tới đây, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về những vấn đề “nóng bỏng” trong lĩnh vực ngân hàng.

Cho ý kiến về tổ chức chất vấn tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng cần chất vấn người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước về nợ xấu và việc cơ cấu lại hệ thống. Bởi đây đang là những vấn đề có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của nền kinh tế cũng như tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ ba vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã được dự kiến trong danh sách trả lời chất vấn và được đa số đại biểu lựa chọn, song ông đã không được quyết định đăng đàn chính thức.

Thời gian dự kiến dành chất vấn Thống đốc Bình là trọn buổi chiều ngày 21/8.

Cùng với Thống đốc Bình, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cũng sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào sáng 21 và sáng 22/8.

Theo dự kiến tại phiên họp trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ liên quan đến giải pháp đối với các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai, biện pháp theo dõi, xử lý hoặc thu hồi tài sản sau thanh tra.

Bên cạnh đó là hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, vấn đề nâng cao năng lực, phẩm chất, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường tại phiên họp.

Một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia... cũng được thảo luận tại đây.

Đáng chú  ý, dự án Luật Thủ đô, một trong số các dự án luật hiếm hoi không được Quốc hội (khóa 12) thông qua lại được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate