Lần đầu tiên, Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương được công bố, đồng thời, trong quý 4/2018, sẽ biên soạn và xuất bản cuốn sách trắng thực trạng doanh nghiệp Việt.
Họp báo công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017, ngày 13/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Cách đây gần 20 năm, Trung ương đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành liên tiếp 2 nghị quyết về phát triển, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng của nền kinh tế. Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp với tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hàng năm, Chính phủ đều ban hành Nghị quyết 19 để đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ xác định mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 nước ta có khoảng 1 triệu doanh nghiệp.
"Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các cơ quan hữu quan xây dựng và công bố Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương. Mục tiêu của Bộ chỉ số này là cùng với những chỉ số đã có giúp cho Chính phủ và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương biết được tình hình phát triển doanh nghiệp của đất nước, địa phương. Việc công bố Bộ chỉ tiêu sẽ đưa ra được bức tranh về tình hình phát triển doanh nghiệp; giúp các địa phương thấy rõ mình đang nằm ở đâu trên bản đồ phát triển doanh nghiệp Việt Nam", Phó Thủ tướng nói, "Bộ chỉ số này cũng là cơ sở tốt để Chính phủ, các cơ quan nhà nước, các địa phương tham khảo, nghiên cứu và đề ra chính sách phù hợp".
Ông Huệ cũng lưu ý, khác với chỉ số PAPI và PCI, Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp không thể so sánh chỉ số phát triển giữa doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn với doanh nghiệp tại Tp.HCM, mà là lấy tiêu chí của bộ chỉ số này để so sánh về sự phát triển của doanh nghiệp tỉnh đó so với năm trước, hoặc so sánh giữa các tỉnh trong cùng một khu vực điều kiện phát triển, hoặc đánh giá tổng lợi nhuận mà doanh nghiệp mang lại cho địa phương và tổng tiền lương doanh nghiệp đã trả cho người lao động...
Số liệu từ Bộ chỉ số lần đầu tiên được công bố này cho thấy, hiện nay khu vực doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, chiếm 60% GDP toàn bộ nền kinh tế. Bình quân giai đoạn 2010-2017, số doanh nghiệp thực tế hoạt động tăng 10,5%/năm, số lao động thu hút làm việc trong khu vực doanh nghiệp tăng 5,9%/năm, vốn sản xuất kinh doanh tăng 15,4%/năm, doanh thu tăng 15,6%/năm, lợi nhuận tăng 13,7% và đóng góp cho ngân sách Nhà nước tăng 12,4%/năm. Tính đến thời điểm 1/7/2018, cả nước có 702.710 doanh nghiệp đang tồn tại thuộc diện quản lý thuế của Tổng cục Thuế, đây là những doanh nghiệp nằm trong danh sách quản lý của Tổng cục Thuế có mã số thuế, không tính những doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, nhà thầu phụ, chi nhánh.
Trong số đó, có 674.759 doanh nghiệp tồn tại có báo cáo tài chính hoặc không có báo cáo tài chính nhưng Tổng cục Thống kê điều tra được; 27.951 doanh nghiệp có trong danh sách quản lý của thuế nhưng không có báo cáo tài chính và Tổng cục Thống kê không xác minh được. Đối với số 674.759 doanh nghiệp, có 560.417 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh hoặc có chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh; có 80.948 doanh nghiệp đang tồn tại nhưng không có kết quả sản xuất kinh doanh (doanh thu bằng không và không phát sinh chi phí sản xuất, chỉ có chi phí để duy trì doanh nghiệp, như: nộp thuế môn bài...); có 33.394 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể.
Khu vực dịch vụ hiện có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động nhiều nhất, đồng thời là khu vực có tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động cao nhất trong các khu vực kinh tế. Tại thời điểm 31/12/2017, số doanh nghiệp đang hoạt động của khu vực dịch vụ là 390.765 doanh nghiệp, tăng 10,3% so với cùng thời điểm năm 2016; khu vực công nghiệp và xây dựng là 164.189 doanh nghiệp, tăng 12,2%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp hoạt động rất ít với 5.463 doanh nghiệp, tăng 22,8%.