Theo tin từ Bloomberg, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương có lúc giảm tới 2,8% trong phiên giao dịch ngày 7/3, đưa tổng mức giảm kể từ mức kỷ lục thiết lập vào tháng 2 năm ngoái lên hơn 20%, đáp ứng định nghĩa thị trường đầu cơ giá xuống.
Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông trượt xuống mức thấp nhất khoảng 6 năm. Một chỉ số đo giá cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc đại lục niêm yết ở Hồng Kông rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.
Chỉ số Nikkei 225 chốt phiên với mức giảm gần 3%, đưa chứng khoán Nhật Bản trong thành một trong những thị trường giảm mạnh nhất khu vực phiên này.
Phiên giảm điểm trên diện rộng vào ngày đầu tuần của chứng khoán châu Á diễn ra trong bối cảnh nỗi lo về một cú sốc lạm phát trên toàn cầu khi giá dầu không ngừng leo thang với tốc độ chóng mặt. Khả năng Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga đang phủ bóng đen lên thị trường năng lượng thế giới, đẩy giá dầu Brent có thời điểm lên gần 140 USD/thùng.
Diễn biến giá dầu đang đặt một số thị trường mới nổi ở khu vực châu Á, như Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan vào tình thế đặc biệt dễ tổn thương vì các nước này có sự phụ thuộc lớn vào năng lượng nhập khẩu. Chứng khoán Ấn Độ là một trong những thị trường giảm điểm mạnh nhất kể từ khi Nga tấn công Ukraine.
“Xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục ám ảnh tâm trí nhà đầu tư. Cho đến nay, chưa có tín hiệu nào về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Điều đó khiến mức độ ham thích rủi ro thị trường khó được cải thiện”, chiến lược gia Jun Rong Yeap thuộc IG Asia Pte phát biểu. “Giá dầu tăng cao có thể đặt ra rủi ro đối với tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp và mức tiêu dùng của người dân, đúng vào thời điểm mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đứng trước sức ép phải phản ứng mạnh với sức ép lạm phát bằng cách tăng lãi suất nhanh hơn”.
“Rất khó để có thể lạc quan”, chiến lược gia trưởng Mamoru Shimode thuộc Resona Asset Management phát biểu trên Bloomberg. “Sự biến động đang quá lớn, ở tất cả các thị trường. Chừng nào thị trường dầu còn chưa ổn định, thì các thị trường khác cũng không thể ổn định được”.
Ở một thông tin tích cực, Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Bảy tuyên bố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 5,5%, ở cận trên trong khoảng dự báo mà nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. Tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc cũng không “miễn nhiễm” với sự bán tháo của thị trường khu vực trong phiên 7/3, với chỉ số CSI 300 giảm tới 3,2%.
Từ đầu năm đến nay, MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản đã giảm khoảng 10%, so với mức giảm 9% của chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ và mức giảm gần 14% của chỉ số Stoxx Europe 600 của chứng khoán châu Âu.
“Cú sốc về nhu cầu, cụ thể hơn là sự biến mất của hoạt động xuất khẩu sang Nga, sẽ tập trung vào châu Âu và sẽ không đủ lớn để gây trệch hướng kinh tế toàn cầu”, chiến lược gia trưởng Masayuki Kichikawa của Sumitomo Mitsui DS Asset Management phát biểu. “Nền kinh tế thế giới có thể chống chịu được mức giá dầu khoảng 120 USD/thùng. Nhưng nếu giá dầu tăng lên mức 150-160 USD/thùng, suy thoái sẽ xảy ra và nhà đầu tư sẽ phải thay đổi kịch bản trước đó của họ rằng sự phục hồi sẽ tiếp tục.
Dưới đây là mức giảm của một số thị trường chứng khoán ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phiên ngày 7/3: