Thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng nay (5/10), nối tiếp phiên bán tháo vào đêm qua trên thị trường chứng khoán Mỹ, khi chỉ số Nasdaq “bốc hơi” hơn 2%. Giá dầu tiếp đà leo thang trên ngưỡng 80 USD/thùng, cao nhất gần 3 năm.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 sáng nay có lúc sụt 3,21%, dẫn đầu là cổ phiếu Fast Retailing – công ty mẹ của thương hiệu thời trang Uniqlo – với mức giam 6,87%. Chỉ số Topix giảm 2,05%. Cú giảm này đưa Nikkei 225 vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction) với mức giảm hơn 10% kể từ mức đỉnh thiế lập hồi trung tuần tháng 9.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi sụt 2,16%. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng mất 0,7% điểm số.
Chứng khoán Australia không nằm ngoài xu hướng giảm, với chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,86%.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương tụt 0,95%.
Thị trường Trung Quốc đại lục vẫn đang đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh.
Trong phiên đêm qua, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ sụt 1,3%; Dow Jones giảm 0,94%; và Nasdaq mất 2,14%.
Dẫn đầu phiên bán tháo này ở Phố Wall là các cổ phiếu công nghệ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ, và một số dấu hiệu kinh tế giảm tốc là những yếu tố khiến các nhà đầu tư lo ngại.
“Giới đầu tư đang cảm thấy bất an khi sự tăng tốc kinh tế và kích cầu bằng chính sách tiền tệ dần nhường chỗ cho tăng trưởng chậm lại và việc tiến tới bình thường hoá chính sách tiền tệ”, chiến lược gia trưởng Seema Shah của Principal Global Investors nhận định.
Trái với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, giá dầu thô vẫn giữ đà tăng. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London sáng nay theo giờ Việt nam có lúc tăng gần 0,4% so với đóng cửa phiên ngày thứ Hai, đạt mức 81,58 USD/thùng, cao nhất kể từ cuối năm 2018.
Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng gần 0,3%, đạt 77,83 USD/thùng.
Trong phiên đêm qua, giá vàng Brent tăng 1,98 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, chốt ở 81,26 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,74 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, đạt 77,62 USD/thùng,
Giá dầu tăng mạnh sau khi OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) với một số nước đồng minh ngoài khối, giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11, bất chấp những lời kêu gọi nâng mức tăng sản lượng và cảnh báo về việc giá dầu leo thang có thể đe doạ sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Một số nước nhập khẩu dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ đã kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng dầu mạnh mẽ hơn nữa, sau khi giá dầu đã tăng 50% trong năm nay.
Tuy nhiên, các bộ trưởng dầu lửa trong OPEC+ “tái khẳng định kế hoạch điều chỉnh sản lượng” đã có từ trước là tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 11, liên minh này cho biết trong tuyên bố sau cuộc họp định kỳ.