Mùa công bố kết quả kinh doanh đang cao điểm, theo thống kê mới nhất của FiinTrade, tính đến ngày 26/10/2024 đã có 642 doanh nghiệp niêm yết đại diện 31,7% vốn hóa toàn thị trường công bố kết quả kinh doanh quý 3, bao gồm 10/27 Ngân hàng, 31/35 công ty chứng khoán và 594/1483 doanh nghiệp Phi tài chính.
Tổng lợi nhuận sau thuế quý 3/2024 của 642 doanh nghiệp tăng 17,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, quá trình phục hồi kinh tế vẫn diễn ra hết sức tích cực. Và mặc dù vẫn còn những khó khăn và phải đối mặt với cơn bão Yagi nhưng không bị ảnh hưởng quá nhiều tới con số tăng trưởng, GDP quý III/2024 vẫn tăng 7,4%, vượt xa nhiều dự báo.
THÁNG 10-THÁNG 11 LÀ VÙNG TRŨNG THÔNG TIN
Thị trường chứng khoán vốn dĩ được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế, tuy nhiên, Vn-Index liê tiếp điều chỉnh và không thể vượt qua mốc 1.300 điểm, nhiều lần chinh phục thất bại. Điều này làm nhà đầu tư có tâm lý thận trọng và hoài nghi về khả năng bứt phá của thị trường.
Nhận định về tình trạng trên tại Talkshow Phố Tài chính, ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Up (UPS) cho rằng thứ nhất do thanh khoản thị trường ở mức thấp, nhà đầu tư đang thận trọng và chờ đợi các yếu tố kích thích rõ ràng hơn, đặc biệt là những thông tin về nâng hạng thị trường.
Thứ hai, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dù đã giảm lãi suất nhưng lãi suất vẫn ở mức cao để kiểm soát lạm phát, đã tạo áp lực lên dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam. Lãi suất cao không chỉ làm chi phí vốn của nhà đầu tư tăng lên, mà còn làm tỷ giá USD/VND biến động, khiến nhà đầu tư quốc tế rút vốn để tìm kiếm các kênh an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ.
Trong khi đó, các thông tin tích cực đã phản ánh phần lớn vào đà tăng trước đó của thị trường và hiện ngưỡng 1.300 đang là ngưỡng kháng cự mạnh. Theo Ups thống kê, có đến 7 lần VN-Index gặp ngưỡng cản này trong thời gian gần đây và hiện giờ chưa có thông tin vĩ mô hoặc dòng tiền đủ mạnh để giúp thị trường có thể bứt phá qua ngưỡng 1.300 điểm.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty CP Chứng khoán DSC nhấn mạnh rằng: "Ngưỡng 1.300 điểm có thể nói là một ngưỡng ám ảnh đối với các nhà đầu tư".
Nếu nhìn vào động lực của thị trường giá lên, thì trên thế giới như chúng ta đã biết trước cuộc bầu cử ở bên Mỹ, thị trường diễn biến rất tích cực, tuy nhiên, gần bước vào cuộc bầu cử thị trường có vẻ như chững lại, chờ các tín hiệu tiếp theo. Đồng USD là một yếu tố rất bất ngờ khi thị trường đều dự đoán rằng việc FED hạ lãi suất sẽ giúp đồng USD hạ nhiệt nhưng thực tế tỷ giá trong những ngày vừa qua lại rất căng.
Còn ở trong nước, chúng ta kỳ vọng vào đà phục hồi của nền kinh tế và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng không hề tiêu cực nhưng cũng không có quá nhiều bất ngời khiến thời điểm này, chúng ta đang rơi vào vùng trũng thông tin. Nếu theo dõi qua các năm, sẽ thấy tháng 10, tháng 11 năm nào cũng sẽ là vùng trũng thông tin.
LƯU Ý THÔNG THƯ 02 SẼ HẾT HIỆU LỰC VÀO CUỐI NĂM
Về chiến lược đầu tư, theo ông Huy, nếu là nhà đầu tư dài hạn vẫn nên giữ một thái độ tương đối lạc quan về đà phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế trong thời gian tới. Chúng ta không cần phải quá lo lắng bởi những nhịp điều chỉnh như thế này.
"Chỉ có một vài yếu tố cần theo dõi như Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, cuối năm hết hiệu lực sẽ khiến các khoản nợ xấu có thể gia tăng. Các khoản mục nợ xấu của nhóm ngành ngân hàng có thể lộ diện rõ ràng hơn. Đối với các ngân hàng mà có tỷ lệ nợ xấu cao thì kết quả kinh doanh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, đó là một trong những yếu tố mà chúng ta cần lưu ý", Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh của Chứng khoán DSC nhấn mạnh.
Thứ hai là câu chuyện là đáo hạn trái phiếu. Trong tháng 11 và tháng 12 này, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ có khoản trái phiếu đáo hạn, đấy cũng là một điều mà chúng ta cần lưu ý. Sau khi hạ nhiệt nhẹ trong quý III/2024, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trở lại trong quý IV/2024 với ước tính khoảng hơn 76.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng 99,1% so với quý III/2024.
Còn với nhà đầu tư ngắn hạn thì chúng ta thường mong đợi thị trường có sóng, thế nên trong tháng 10, tháng 11, sẽ phải thận trọng trong ngắn hạn và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải, chỉ nên mua vào khi thị trường được chiết khấu sâu về các vùng hỗ trợ.
Đồng quan điểm, ông Đạt cho rằng trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có xu hướng chưa rõ ràng, nhà đầu tư cần điều chỉnh chiến lược phù hợp với mục tiêu của mình. Đối với nhà đầu tư dài hạn thì nên tận dụng cơ hội khi thị trường chung có những đợt sụt giảm mạnh, điều này sẽ giúp tích lũy được cổ phiếu với mức giá hợp lý, đồng thời nên cơ cấu lại các nhóm cổ phiếu đang có định giá cao và tiềm năng tăng trưởng chậm lại, nên tập trung vào các cổ phiếu có cơ bản tốt trong các ngành như ngân hàng, tiêu dùng thiết yếu và công nghiệp với tầm nhìn dài hạn.
Còn đối với nhà đầu tư ngắn hạn nên giữ tỷ trọng cổ phiếu dưới 50% danh mục để tránh rủi ro từ các biến động bất ngờ của thị trường. Điều này giúp nhà đầu tư có thể linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh danh mục khi thị trường có dấu hiệu đảo chiều, ưu tiên các cổ phiếu chưa tăng giá mạnh, đặc biệt các doanh nghiệp có thể có lợi nhuận tốt trong quý IV.