Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam nổi lên là một kênh đầu tư hấp dẫn thay cho các kênh đầu tư truyền thống như vàng, tiết kiệm ngân hàng. Mặt bằng lãi suất thấp tạo điều kiện cho nhiều người thế chấp tài sản ngân hàng để lấy tiền để đầu tư. Làn sóng F0 là động lực dẫn dắt VN-Index liên tiếp chinh phục từng mốc lịch sử 1.200 điểm, 1.300 điểm rồi 1.400 điểm…
DÒNG TIỀN MANG TÍNH THỜI VỤ
Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và bất động sản liệu đã quá nóng hay chưa? và Chính phủ có biện pháp nào để kìm hãm đà tăng của thị trường hay không?
Trả lời câu hỏi này tại toạ đàm "Chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2021" do VnDirect tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương nói: Dưới góc độ của người chuyên phân tích diễn biến kinh tế vĩ mô, tôi thấy diễn biến thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán có dấu hiệu cho thấy tăng trưởng quá nhanh.
“Rõ ràng lạm phát về giá tài sản tăng cao đặt ra dấu hiệu để mà nhiều cơ quan quản lý cần phải vào cuộc xem xét đánh giá, liệu mức tăng như thế có bình thường không? Có đặt ra nguy cơ gì cho vĩ mô thời gian tới? Chắc chắn sắp tới phải xem xét đánh giá kỹ về chuyện này vì thực sự chúng ta phải nhìn kỹ dòng tiền vào chứng khoán giúp thị trường tăng trưởng bứt phá nhưng khoản vay từ ngân hàng đầu tư chứng khoán lại được kiểm soát rất chặt”, ông Tú Anh nhấn mạnh.
Trước câu hỏi dòng tiền F0 mở tài khoản nhiều, thế những người này trước đây họ làm gì? Sao giờ lại nhiều tiền đi vào chứng khoán? Ông Tú Anh cho rằng Việt Nam có khu vực kinh tế chưa quan sát được. Trong điều kiện bình thường những người trong khu vực này họ hoạt động cho vay lẫn nhau, huy động vốn lẫn nhau, giống như banking nhưng là hoạt động tài chính trong khu vực đó, và khá lớn.
Khi Việt Nam bị tác động bởi Covid-19 thì những khu vực kinh tế không quan sát được là những người bị tác động đầu tiên. Cửa hàng hiệu bị ảnh hưởng, kinh tế vỉa hè bị ảnh hưởng… Dòng tiền trong khu vực này bị ngưng trệ, không chảy đi đâu được thì chính là tiền của những ông F0. Chính vì thế, dòng tiền từ khu vực không quan sát được đấy đang đi vào thị trường chứng khoán một cách ồ ạt.
“Tôi tin vào giả thuyết như thế và nhiều người hỏi tại sao trước đây họ không vào thị trường chứng khoán? Vì bây giờ họ mới không còn cơ hội ở khu vực không quan sát được nữa”, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp nhấn mạnh.
Cuối cùng, theo ông Tú Anh, một khi vaccin được tiêm cho toàn dân, các cơ hội của khu vực chưa quan sát được sẽ mở lại, cầu bật nhanh vào khu vực đó, thì nhu cầu vốn, tiền cho khu vực đó tăng rất nhanh. Bởi khu vực đó tiếp cận vốn khu chính thức rất khó khăn vì quy định của ngân hàng, thị trường vốn… Điều này dẫn đến lại có nguy cơ kích hoạt dòng tiền ra thị trường chứng khoán, F0 lại bắt đầu đóng tài khoản và đi ra.
RỦI RO NHIỀU HƠN CƠ HỘI
Nhận định về thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2021, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích VnDirect đánh giá, thị trường vẫn có 4 cơ hội tích cực: Môi trường lãi suất thấp, nhà đầu tư tìm đến kênh chứng khoán, trái phiếu có lợi suất đầu tư cao hơn kênh đầu tư truyền thống như vàng, tiết kiệm; Hiệu ứng FOMO khi thị trường điều chỉnh ở một mức độ nào đấy hàng loạt dòng tiền kéo vào hỗ trợ đà tăng lên thị trường.
Thứ ba, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ở các nhóm ngành có vai trò đóng góp dẫn dắt thị trường như ngân hàng, dầu khí, bất động sản. Thứ tư, khi các công ty chứng khoán được tăng vốn giải quyết điểm nghẽn margin. Tất cả 4 điểm này hỗ trợ thị trường tăng điểm thời gian tới.
Về rủi ro, theo bà Hiền, mỗi lần thị trường vượt mốc tâm lý như 1.200 hay 1.400 điểm có thể bước vào hàng loạt nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn. Nhà đầu tư phải chú ý thời gian "vùng trũng thông tin", thời điểm này kết quả kinh doanh quý 2 đâu đó phản ánh hết vào giá cổ phiếu. Bước sang tháng 7-8 là những tháng có ít thông tin hỗ trợ thị trường. Phải đến tháng 9 khi mà dự kiến kết quả kinh doanh quý 3 và ước tính cả năm, thị trường mới có tăng trưởng trở lại được hỗ trợ tích cực bởi lợi nhuận và tăng trưởng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là rủi ro về Fed thắt chặt lãi suất là rủi ro chung thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam. Đáng lưu ý, nguồn cung cổ phiếu tăng lên, một làn sóng doanh nghiệp tận dụng 6 tháng đầu năm để phát hành thêm, tạo thêm nguồn cung tạo sự điều chỉnh nhỏ trong thị trường trong 6 tháng cuối năm.
Theo các chuyên gia của VnDirect, lý do thị trường tăng điểm thời gian qua một phần là nhờ dòng tiền F0. Do đó, khi nền kinh tế quay trở lại hoạt động bình thường, dòng tiền F0 quay trở lại thị trường sản xuất, hoạt động cũng là yếu tố rủi ro, cần phải quan sát.
Về định giá thị trường, Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư VnDirect nhận định: Định giá thị trường hiện tại đang ở mức 18-19x, P/E foward 16x tương đương trung bình 5 năm. Định giá thời điểm hiện tại đang ở mức không rẻ nhưng cũng không qúa đắt. “Rõ ràng giá cổ phiếu đã chạy trước lợi nhuận, thị trường còn có một số rủi ro về nguồn cung cổ phiếu tăng, lạm phát tăng…Qua trải nghiệm của tôi mỗi khi lãi suất tăng một chút thì giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh nhẹ thời điểm đó, sau thời điểm đó nền kinh tế vững thì giá cổ phiếu tiếp tục tăng”, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, xu hướng thị trường thiên về xu hướng sideway để cho lợi nhuận đến được mốc giá cổ phiếu hiện tại. Thứ hai là sẽ có sự phân hoá, ngành nào mà có lợi thế giá cổ phiếu sẽ tăng tiếp, ngược lại không có câu chuyện mới giá cổ phiếu sẽ đi ngang để chờ lợi nhuận đến với mức định giá.
Về quan điểm đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2021, bà Hiền đưa ra đánh giá về ngành và cổ phiếu tiềm năng dựa trên 4 điểm nhấn. Cụ thể, sự hồi phục mạnh mẽ của nhu cầu trên thế giới giúp các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn như dệt may, thủy sản, gỗ & các sản phẩm gỗ, cao su và thép được đánh giá sẽ tích cực.
Ngoài ra, logistic và bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ hưởng lợi chính trong xu hướng mở cửa lại này. Đáng chú ý, một ngành có quan hệ mật thiết khi cầu xuất khẩu trở lại là cảng biển sẽ tăng trưởng rất phân mảnh khi việc tăng công suất đáp ứng nhu cầu của các cảng không phải là điều dễ dàng thực hiện.