Giá hàng hoá cơ bản tăng vọt, đồng USD trượt xuống mức đáy của 2 tháng, và các chỉ số chính của thị trường chứng khoán thế giới thiết lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (7/5), khi số liệu việc làm tháng 4 ảm đạm của Mỹ xoa dịu nỗi lo trước đó của nhà đầu tư rằng nền kinh tế tăng trưởng nóng sẽ kích lạm phát tăng mạnh và dẫn tới tăng lãi suất.
Báo cáo từ Bộ lao động Mỹ cho biết khu vực phi nông nghiệp của nước này chỉ có thêm 266.000 công việc trong tháng 4, thay vì 978.000 công việc như dự báo của các nhà phân tích. Ngoài ra, số liệu việc làm mới trong tháng 3 cũng được điều chỉnh giảm còn 770.000 công việc, thay vì 916.000 công việc như báo cáo lần đầu.
Số liệu này làm giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm thu hẹp chương trình mua tài sản hoặc sớm nâng lãi suất trở lại. Ngoài ra, thị trường việc làm còn yếu cũng là cơ sở để giới đầu tư thêm phần tin tưởng rằng Tổng thống Joe Biden có thể thuyết phục được lưỡng viện Quốc hội ủng hộ hai gói chi tiêu với tổng trị giá hơn 4 nghìn tỷ USD dành cho hạ tầng và giáo dục.
Thời gian gần đây, tâm trí của nhà đầu tư Phố Wall bị phủ bóng bởi nỗi lo rằng nền kinh tế phục hồi quá nhanh do nhu cầu bị dồn nén sẽ dẫn tới lạm phát tăng vọt và buộc Fed phải tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự báo.
Sau khi báo cáo việc làm được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc trượt về mức đáy của 2 tháng ở 1,469%, trước khi hồi trở lại mức 1,579% vào thời điểm đóng cửa.
Giá vàng tăng 0,9%, hoàn tất tuần tăng mạnh nhất từ đầu tháng 11. Giá đồng thiết lập kỷ lục mới, phá vỡ mức đỉnh thiết lập cách đây 1 thập kỷ. Giá nhôm đạt mức cao nhất từ năm 2018, giá quặng sắt cũng lập kỷ lục mọi thời đại.
“Ai cũng nghĩ Fed sẽ sớm thắt chặt chính sách, nhưng điều đó sẽ không xảy ra”, chuyên gia kinh tế trưởng Joseph LaVorgna của Natixis nhận định. “Sẽ không có lạm phát từ phía thị trường lao động. Ngoài ra, thị trường kinh tế vẫn đang tăng trưởng và thị trường việc làm tiếp tục hồi phục”.
Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới chốt phiên ngày thứ Sáu với mức tăng 0,94%. Chỉ số FTSEurofirst 300 của chứng khoán châu Âu tăng 0,84%. Chứng khoán Canada tăng 0,94%; Đức tăng 1,3%; Pháp đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2000; chứng khoán Anh lên cao nhất từ tháng 2/2020.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng lập kỷ lục mới. Dow Jones tăng 0,66%; S&P 500 tăng 0,74%; và Nasdaq tăng 0,88% khi đóng cửa phiên giao dịch.
Tính cả tuần, Dow Jones tăng 2,65%; S&P 500 tăng 1,23%; và Nasdaq trượt 1,51%.
Trước đó cùng ngày, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản chốt phiên cuối của tuần với mức tăng 0,4%. Chỉ số Nikkei của Nhật tăng 0,2%. Chứng khoán Trung Quốc giảm 1,3%.
Chỉ số MSCI đo tỷ giá đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi lập đỉnh mới nhờ đồng USD suy yếu. Đồng Nhân dân tệ tăng hơn 0,5% so với USD, đạt mức cao nhất 2 tháng rưỡi.
“Lãi suất của Mỹ sẽ tiếp tục ở mức siêu thấp trong một thời gian nữa, và điều đó sẽ gây áp lực mất giá đối với đồng USD”, nhà quản lý chiến lược ngoại hối Boris Schlossberg thuộc BK Asset Management phát biểu.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm 0,73%, trong khi tỷ giá Euro so với USD tăng 0,85%, đạt 1,2167 USD đổi 1 Euro.
Đồng Yên Nhật tăng giá 0,47% so với USD, lên 108,58 Yên đổi 1 USD.