Theo MSVN, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hạ lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất tiền gửi 6 tháng xuống mức 5,5% vào ngày 31/3 vừa qua do dữ liệu vĩ mô giảm mạnh. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1/2023 là 3,32%, thấp ngang với giai đoạn Covid-19, thúc giục các nhà hoạch định chính sách phản ứng một cách nhanh chóng.
Thời điểm hạ lãi suất sớm hơn dự đoán của MSVN, nhưng được thúc đẩy bởi lạm phát giảm, tỷ giá hối đoái bình ổn và tín hiệu lãi suất đạt đỉnh ở các nước trong khu vực. Mức giảm cũng hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế mà không gây rủi ro lạm phát hoặc ngoại hối mất kiểm soát trong ngắn hạn.
KỲ VỌNG LÃI SUẤT TIẾP TỤC HẠ NHIỆT
Mặc dù có những đánh giá từ thị trường cho rằng NHNN đang “liều lĩnh”, nhưng MSVN đánh giá cao bước đi táo bạo này vì mang lại sự hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế đang phải vật lộn với cả nhu cầu trong và ngoài nước đang suy yếu.
Theo quan điểm của MSVN, lạm phát trong nước ở mức vừa phải và có xu hướng đi theo trục chính sách tiềm năng của Fed. Thị trường tương lai của Mỹ đang cho thấy dự đoán lãi suất của Fed đạt đỉnh 5% vào tháng 5 và giảm 0,5% trong nửa cuối năm. Điều này cho phép NHNN cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% vào giữa năm 2023 và 0,5% vào đầu năm 2024.
Khi kinh tế suy giảm như ở giai đoạn Covid-19, thì lãi suất cũng nên thấp như ở thời điểm đó. Do vậy, MSVN đánh giá lạm phát 2008-2011 sẽ không tác động đến ngành ngân hàng vì NHNN hiện đã có nhiều kinh nghiệm hơn với công cụ hạn mức tín dụng hiệu quả (áp dụng từ năm 2011). Đồng thời, Việt Nam hiện được củng cố nhờ tài khoản vãng lai luôn dương.
VN-INDEX SẼ CÁN MỐC 1.400 ĐIỂM
Mặc dù nền kinh tế sẽ phục hồi chậm kể từ quý 2, nhưng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi sớm hơn và các ngành theo chu kỳ sẽ hoạt động tốt hơn. MSVN duy trì dự báo cuối năm cho VN Index ở mức 1.400 điểm dựa trên tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 là 12% và P/E mục tiêu trung bình 14x.
Được biết, tại thời điểm đầu năm 2023, MSVN đưa ra dự báo VN-Index chịu áp lực và có thể kiểm tra lại mốc 850-950 điểm trong nửa đầu năm 2023, bởi mối lo ngại về lạm phát và lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan.
Tuy nhiên, ở kịch bản lạc quan, MSVN cho rằng chỉ số này có thể phục hồi đáng kể lên mốc từ 1.150-1.400 điểm trong nửa cuối 2023 với dự đoán rằng chính phủ sẽ nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
NHẬN DẠNG CỔ PHIẾU TIỀM NĂNG ĐỂ ĐẦU TƯ
Trong báo cáo chiến lược tháng 4, MSVN cũng khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào những ngành mang tính chu kỳ như bất động sản, bán lẻ, thép và chứng khoán. Bên cạnh đó là nhóm ngành công nghệ thông tin, đồ uống, năng lượng, khu công nghiệp và nhà băng.
Trong danh sách các mã cổ phiếu được MSVN khuyến nghị ở lĩnh vực ngân hàng có đề xuất TCB (Techcombank). Theo MSVN, NIM của Techcombank duy trì ở mức đầu ngành ở mức 5,4%, có khả năng trở thành công cụ tạo thu nhập từ phí tốt nhất. Cho vay bất động sản và xây dựng của ngân hàng này hiện chiếm 29% tổng dư nợ cho vay của TCB, tuy nhiên các khoản vay bất động sản được đảm bảo đầy đủ, TCB khó gặp phải cú sốc về chất lượng tài sản cũng như trích lập dự phòng.
Các kịch bản xấu nhất phần lớn đã được phản ánh vào giá TCB. Ngay cả trong trường hợp giả định bất khả thi rằng TCB sẽ không có lợi nhuận trong năm này bằng cách trích lập dự phòng toàn bộ lợi nhuận, thì cổ phiếu cũng giao dịch với P/B 2023 chỉ 0,9x.
Tương tự là STB (Sacombank) với kỳ vọng có thể mang lại mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhất trong số các ngân hàng niêm yết trong năm nay. Năm 2023, STB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỷ đồng (+50% so với 2022); chất lượng tài sản của ngân hàng đã được cải thiện nhờ xử lý tài sản tồn đọng hậu sáp nhập và tích cực trích lập dự phòng cho các khoản này. Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1% và LLCR tăng lên 131% vào cuối năm 2022 (so với mức lần lượt là 1,5% và 118,6% vào cuối năm 2021).
GMD (Gemadept) cũng là cái tên được MSVN nhắc đến với khả năng ghi nhận lợi nhuận bất thường xấp xỉ 1.000 tỷ đồng từ việc thoái 85% vốn tại cảng Nam Hải - Đình Vũ trong quý 2.
Với mã HPG (Hòa Phát), dù triển vọng HPG trong ngắn hạn còn nhiều thách thức do chi phí đầu vào tăng nhanh hơn giá bán trung bình và nhu cầu vẫn chưa hồi hoàn toàn; tuy nhiên về dài hạn vẫn tích cực nhờ gói đầu tư nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng được phê duyệt gần đây, là một động lực hứa hẹn phục hồi nhu cầu thép.
HPG hiện đang giao dịch ở mức hợp lý. Nếu thị trường tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động, Maybank cho rằng nhà đầu tư có thể tích luỹ cổ phiếu này ở mức giá thấp trước khi phục hồi vào cuối năm.
Cuối cùng là mã MWG (Thế giới di động). Mặc dù tình hình kinh doanh của MWG chưa khởi sắc ngay lập tức, nhưng định giá của mã cổ phiếu này đang rẻ với mức P/E 13,4x, thấp hơn mức 14,5x trung bình 5 năm. Nếu xem xét đến vị thế dẫn đầu của công ty trong ngành bán lẻ đầy triển vọng, có thể mua vào MWG theo nhịp giảm.