Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (22/2), khi căng thẳng gia tăng mạnh giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine khiến nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro. Giá dầu thô có lúc lên gần 100 USD/thùng do lo ngại gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga. Tiền ảo cũng bị bán tháo trước khi hồi phục nhẹ.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 483 điểm, tương đương giảm 1,42%, đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp. Trong phiên, có thời điểm chỉ số này giảm hơn 700 điểm.
Chỉ số S&P 500 mất 1,01%, còn 4.304,76 điểm. Với mức điểm này, S&P 500 đã giảm 10,25% so với mức đóng cửa cao kỷ lục thiết lập hôm 3/1, theo đó rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction market).
Chỉ số Nasdaq cũng có phiên giảm thứ tư liên tiếp, với mức giảm 1,23%, còn 13.381,52 điểm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, với đối tượng là các ngân hàng, trái phiếu chính phủ, và 3 cá nhân người Nga. Động thái này được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 21/2 bất ngờ công nhận độc lập của hai nước cộng hoà tự xưng ly khai khỏi Ukraine là Donetsk và Luhansk, đồng thời tuyên bố đưa lực lượng “gìn giữ hoà bình” tới hai vùng này.
“Bất ổn vẫn còn, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trong lịch sử, các sự kiện quân sự hay khủng hoảng địa chính trị thường làm gia tăng biến động trên thị trường và gây ra sự sụt giảm ngắn hạn, nhưng giá cổ phiếu bao giờ cũng bật tăng trở lại trừ phi sự kiện đó đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái”, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu Eylem Senyuz của Truist nhận định trong một báo cáo.
“Tâm lý của nhà đầu tư cũng cho thấy ngưỡng tiêu chuẩn để có sự ngạc nhiên tích cực là rất thấp”, báo cáo nhận định.
Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 cùng chốt phiên trong sắc đỏ và dẫn đầu sự giảm điểm này là cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu với mức giảm 3%. Cổ phiếu năng lượng cũng giảm dù giá dầu tăng.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London có lúc đạt 99,5 USD/thùng, trước khi kết thúc phiên ở mức 96,84 USD/thùng, tăng 1,52% so với đóng cửa phiên liền trước. Giá dầu WTI giao sau tại New York có lúc lên tới 96 USD/thùng, trước khi chốt phiên với mức tăng 1,4%, đạt 92,35 USD/thùng.
Nga là nguồn cung cấp khí đốt và dầu thô lớn nhất cho Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2021, nên căng thẳng địa chính trị ở biên giới Nga-Ukraine đã góp phần đẩy giá dầu tăng chóng mặt trong thời gian gần đây. Giá “vàng đen” đã tăng hơn 20% từ đầu năm nay và tăng hơn 80% kể từ đầu năm ngoái.
Ngoài căng thẳng liên quan đến Nga, giá dầu còn tăng do những yếu tố khác như nguồn cung thắt chặt.
Trao đổi với CNBC, ông Andy Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates, nói rằng giá dầu có thể vọt lên 110 USD/thùng nếu khủng hoảng Nga-Ukraine tiếp tục xấu đi.
“Nếu nguồn cung dầu từ Nga sang châu Âu bị cắt, giá dầu sẽ tăng thêm 10-15 USD/thùng, đưa giá dầu Brent lên khoảng 110 USD/thùng”, ông Lipow nói, nhấn mạnh rằng Nga hiện cung cấp cho châu Âu 3 triệu thùng dầu mỗi ngày. “Thị trường sẽ tăng mạnh nếu Nga tiếp tục đưa quân vào lãnh thổ Ukraine. Sau đó, thị trường sẽ chờ xem nguồn cung dầu bổ sung sẽ đến từ đâu”.
Đang có khả năng cao Mỹ và Iran sẽ sớm đi đến nhất trí khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015. Việc khôi phục thoả thuận này sẽ giúp đưa hơn 1 triệu thùng dầu thô từ Iran trở lại thị trường mỗi ngày. Ông Lipow cũng cho rằng Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait có thể sẽ cố gắng khai thác thêm dầu, đưa nguồn cung từ các nước này tăng thêm tổng cộng 3,5-4 triệu thùng/ngày.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Katrina Ell thuộc Moody’s Analytics ước tính rằng căng thẳng địa chính trị đã khiến giá dầu tăng khoảng 10-15 USD/thùng. “Bởi vậy, nếu căng thẳng tiếp diễn và dẫn tới sự gián đoạn nguồn cung dầu khí từ Nga, áp lực tăng giá dầu sẽ càng lớn. Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực cả ở góc độ sản xuất và tiêu dùng”, bà Ell nhận định.
Nhà phân tích Edward Moya cũng nhận định bi quan về sự tăng giá dầu đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. “Rủi ro địa chính trị sẽ đẩy áp lực lạm phát tăng vì giá dầu tăng chóng mặt. Sự phục hồi của các nền kinh tế từ Covid có thể trệch hướng. Chu kỳ tăng trưởng có thể chậm lại, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không dám tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3”, ông Moya nói.
Phố Wall hiện đang đặt cược khả năng 100% Fed nâng lãi suất trong cuộc họp vào tháng tới, theo số liệu từ công cụ FedWatch Tool của CME Group. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy như thế nào, 0,25 hay 0,5 điểm phần trăm.
Nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn của nhà đầu tư đã đẩy giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm dưới ngưỡng 2%, chốt phiên ở ngưỡng 1,94%.
Được xem như một tài sản rủi ro, tiền ảo bị bán tháo vào cuối tuần vừa rồi khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, khiến giá Bitcoin có lúc giảm còn 36.000 USD từ mức hơn 40.000 USD trước đó.
Giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, đứng ở mức 38.351 USD/oz vào lúc hơn 7h sáng nay (23/2) theo giờ Việt Nam. Mức giá này tăng 3,5% so với cách đó 24 tiếng, nhưng vẫn thấp hơn 14% so với cách đây 1 tuần.