May 13, 2021 | 07:31 GMT+7

Chứng khoán Mỹ bán tháo vì CPI tăng mạnh nhất 13 năm

Bình Minh -

Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/5), với chỉ số S&P 500 ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 2..

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/5), với chỉ số S&P 500 ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 2, sau khi số liệu lạm phát thổi bùng mối lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất sớm hơn dự báo.

Cả ba chỉ số chính của Phố Wall cùng chốt phiên trong trạng thái giảm sâu vì sức ép bán tháo cổ phiếu đến từ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào buổi sáng. Theo báo cáo này, giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 4,2% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2008. Trong tháng 3, CPI Mỹ tăng 2,6%.

Đây là bản báo cáo thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư ở Mỹ và trên toàn cầu, vì thị trường gần đây ngày càng lo ngại sự leo thang giá cả ở Mỹ. Dù Fed luôn trấn an rằng lạm phát có tăng cũng chỉ là tạm thời,  nhà đầu tư dường như không còn muốn tin lời Fed nói và thay vào đó bắt đầu cho rằng giá cả tăng sẽ trở thành một vấn đề dài hạn.

Nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng, kết hợp với lượng tiền kích cầu và tiết kiệm khổng lồ đang xung đột mạnh mẽ với sự thắt chặt nguồn cung. Kết quả là giá hàng hoá cơ bản leo thang từng ngày. Tình trạng khan hiếm lao động ở Mỹ cũng đẩy tiền lương tăng cao hơn. Tất cả tạo ra một công thức hoàn hảo cho lạm phát.

“Chủ đề trong tâm trí mọi người ở thời điểm hiện nay rõ ràng là lạm phát”, nhà quản lý quỹ Matthew Keator thuộc Keator Group phát biểu. “Lạm phát là điều mà Fed tìm kiếm, và giờ đã đạt được. Câu hỏi đặt ra là lạm phát sẽ nóng trong bao lâu?”

Lạm phát ở Mỹ đã giữ ở mức thấp dai dẳng trong nhiều năm, không đạt mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Việc giá cả tăng hiện nay đồng nghĩa việc Fed có thể đạt mục tiêu lạm phát bình quân 2%, nhưng vấn đề là lạm phát có thể quá nóng và Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Hiện Fed đang giữ lãi suất ở khoảng 0-0,25% và bơm mỗi tháng 120 tỷ USD để mua tài sản. Sự nới lỏng này của Fed là một nguyên nhân đưa chứng khoán Mỹ duy trì xu hướng thị trường giá lên từ năm ngoái tới nay.

Mối lo ngại về lạm phát được chia sẻ bởi Stuart Cole, trưởng bộ phận vĩ mô thuộc Equiti Capital ở London.

“Trong thời gian tới, câu hỏi lớn là Fed có thể duy trì được lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng trong bao lâu”, ông Cole nói. “Đặc biệt khi các công ty bắt đầu tăng tiền lương để thu hút những người không có việc làm quay trở lại lực lượng lao động. Việc này sẽ làm suy yếu lập luận của Fed rằng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời".

CPI lõi tháng 4 của Mỹ, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mục tiêu 2% của Fed.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones sụt 1,99%, còn 33.587,66 điểm. Chỉ số S&) 500 “bốc hơi” 2,14%, còn 4.063,04 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 2,67%, còn 13.031,67 điểm.

Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn, gồm Amazon, Apple, Alphabet, Microsoft và Tesla cùng “đỏ lửa”, gây áp lực giảm mạnh lên các chỉ số. Bán ròng cổ phiếu công nghệ là xu hướng chính ở Phố Wall thời gian này, vì nỗi lo lạm phát khiến nhà đầu tư cho rằng mức định giá của những cổ phiếu này đã bị thổi phồng thái quá.

“Chỉ số CPI tăng mạnh hơn dự báo đã khiến các cổ phiếu công nghệ bị bán càng mạnh hơn”, ông Michael James, trưởng bộ phận giao dịch cổ phiếu của Wedbush Securities, phát biểu. “Nhà đầu tư lo ngại lãi suất sẽ tăng lên, khiến định giá hiện nay của những cổ phiếu này không còn phù hợp nữa”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate