Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (20/10), khi đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ làm dấy lên lo ngại về sức khoẻ của nền kinh tế. Giá dầu thô qua đầu giảm sau khi có tin lực lượng Hamas phóng thích hai con tin người Mỹ.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 1,26%, còn 4.224,16 điểm, hoàn tất tuần tăng đầu tiên trong vòng 3 tuần trở lại đây. Chỉ số Nasdaq sụt 1,53%, còn 12.983,81 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 0,86%, còn 33.127,28 điểm.
Nguồn áp lực chính đối với thị trường trong phiên này là việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt mốc 5% trong vòng 16 năm trở lại đây. Mức lãi suất cao ngất ngưởng này đe doạ gây ảnh hưởng lan rộng trong nền kinh tế thông qua việc kéo lãi suất các khoản vay thế chấp nhà, vay thẻ tín dụng, vay mua xe… Ngoài ra, việc đầu tư trái phiếu mang lại lợi tức cao hơn cũng khiến nhà đầu tư giảm bớt sự hứng thú với cổ phiếu.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã chạm mốc 5,001% trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày thứ Năm, đánh dấu lần đầu tiên vượt qua mốc này kể từ tháng 7/2007. Trong phiên ngày thứ Sáu, lợi suất quay đầu giảm, chốt phiên trên mức 4,9%.
“Thị trường chứng khoán đang theo dõi thị trường trái phiếu và không thích thú với những gì đang diễn ra. Lợi suất trái phiếu đang tăng lên ngay cả khi lạm phát đang trong xu hướng giảm. Lợi suất tăng là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu đi xuống”, Giám đốc đầu tư David Donabedian của CIBC Private Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.
Xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ diễn ra ở tất cả các kỳ hạn, phản ánh mối lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát vì nền kinh tế Mỹ vẫn đang vững vàng sau 11 lần tăng lãi suất. Trong đó, lợi suất của kỳ hạn 30 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2007. Tuần này, lãi suất các khoản vay thế chấp nhà lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm ở Mỹ đã đạt mức 8%, cao nhất kể từ năm 2000.
Ngoài cuộc chiến Israel-Hamas, tâm lý nhà đầu tư ở Phố Wall trong tuần này còn chịu ảnh hưởng bất lợi bởi mối lo về lãi suất cao. S&P 500 đã giảm 2,4% trong cả tuần; Dow Jones sụt 1,6%; và Nasdaq mất 3,2% điểm số. Với Nasdaq, đây là tuần giảm thứ hai liên tiếp.
Theo chiến lược gia Tom Hainlin của US Bank Wealth Management, một sự “an ủi” đối với nhà đầu tư trong tuần này là ý tưởng cho rằng do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng nhiều, Fed sẽ không phải tăng lãi suất thêm nữa. Gần đây, một số quan chức của Fed đã phát tín hiệu rằng lợi suất tăng đang làm bớt phần việc thắt chặt cho Fed. “Bởi vậy, khả năng Fed phải tăng thêm lãi suất có giảm xuống”, ông Hainlin nói.
Dù vậy, trong bài phát biểu hôm thứ Năm, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói lạm phát vẫn còn quá cao - một tín hiệu cho thấy Fed sẽ không sớm hạ lãi suất.
Căng thẳng ở Trung Đông và nỗi lo lãi suất cao cũng là những nguyên nhân khiến chứng khoán toàn cầu bán tháo trong phiên ngày thứ Sáu. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 mất 1,36%. Các thị trường mới nổi giảm 0,53%; chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 0,6%; thị trường Nhật giảm 0,54%; chỉ số MSCI All Country World Index của thị trường toàn cầu giảm 1,1%.
Giá dầu thô đã tăng vào đầu phiên, nhưng chốt phiên trong trạng thái giảm. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,22 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 92,16 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 11 tại New York giảm 0,62 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 88,75 USD/thùng.
Lực lượng Hamas đã phóng thích hai con tin người Mỹ khỏi dải Gaza, là một phụ nữ và con gái của người này, “vì lý do nhân đạo” nhằm đáp lại nỗ lực hoà giải của Qatar trong cuộc chiến giữa Hamas và Israel - một người phát ngôn của Hamas tuyên bố.
“Thông tin này làm giảm bớt phần bù rủi ro trên thị trường. Vào đầu phiên giao dịch, thị trường gần như không có hy vọng gì về một sự xuống thang căng thẳng ở Trung Đông. Nhưng sau đó, những tín hiệu về giải pháp cho cuộc khủng hoảng này đã xuất hiện”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group phát biểu với hãng tin Reuters.
Giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi những dự báo cho rằng thị trường dầu sẽ thắt chặt trong quý 4 năm nay do Saudi Arabia và Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng. Ngoài ra, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cũng nói rằng lượng dầu tồn kho trên toàn cầu giảm, nhất ở ở Mỹ, cũng hỗ trợ giá dầu. Nhà phân tích này dự báo giá dầu Brent sẽ dao động trong khoảng 90-100 USD/thùng trong những phiên tới.