Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25/8), sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell hàm ý rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ đang mạnh hơn dự báo. Giá dầu thô cũng đi lên sau những dấu hiệu mới về sự thắt chặt của nguồn cung.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 247,48 điểm, tương đương tăng 0,7%, chốt ở mức 34.346,9 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,7%, đạt 4.405,71 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,9%, đạt 13.590,65 điểm.
Với phiên tăng này, S&P 500 và Nasdaq hoàn tất một tuần tăng điểm, chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, Dow Jones có tuần giảm thứ hai liên tiếp.
Sự hứng khởi của nhà đầu tư đến từ bài phát biểu được chờ đợi của ông Powell tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên ở khu nghỉ dưỡng Jackson Hole, bang Wyoming. Trong bài phát biểu này, ông Powell đề cập đến tiêu dùng “đặc biệt mạnh mẽ” trong nền kinh tế Mỹ và những dấu hiệu sớm về một sự phục hồi trên thị trường nhà đất. Ông khẳng định cam kết của Fed trong việc kéo lạm phát về mục tiêu 2%.
“Nền kinh tế hiện tại có lẽ không nguội đi như dự kiến. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đều vượt dự báo và cao hơn so với xu hướng dài hạn. Các chỉ số gần đây về tiêu dùng cũng đặc biệt mạnh mẽ. Ngoài ra, sau khi giảm tốc trong hơn 18 tháng qua, thị trường nhà đất đang có những dấu hiệu của tăng trưởng trở lại”, ông Powell - nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới - nhận định.
Tuy nhiên, do ông Powell không đưa ra một chỉ báo rõ ràng về đường đi dự kiến sắp tới của lãi suất, nên diễn biến của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ là một yếu tố chủ chốt chi phối thị trường - theo chiến lược gia Quincy Krosby của LPL Financial.
“Cho dù lý do khiến lợi suất tăng lên là gì, thì việc lợi suất tăng cũng đều khiến các điều kiện trên thị trường tài chính trở nên thắt chặt hơn vì chi phí đi vay cao hơn”, bà Krosby nói với hãng tin CNBC.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm kết thúc phiên ngày thứ Sáu trong trạng thái giảm, còn 4,233%, sau khi đạt mức cao nhất 16 năm vào đầu tuần này ở mức 4,35%.
Một số nhà đầu tư bày tỏ lạc quan rằng Fed đang ở gần chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. “Có lẽ chỉ còn 1-2 lần tăng lãi suất nữa mà thôi”, Giám đốc phụ trách mảng trái phiếu của công ty Rockefeller Asset Management, ông Alex Petrone, nhận xét.
Tương tự, Giám đốc đầu tư Timonty Chubb của công ty Girard cho rằng những phát biểu của giới chức Fed vào ngày thứ Sáu bắt đầu mang lại cho thị trường niềm tin rằng những đợt tăng lãi suất trong tương lai có thể không cần thiết.
“Chúng ta đang có được những dữ liệu như mong muốn, vì lạm phát đã giảm từ ngưỡng 9% xuống còn 3%. Tôi cho rằng ở ngưỡng này, câu hỏi chính chỉ xoay quanh việc Fed sẽ chấp nhận thêm tổn thất bao nhiêu đối với nền kinh tế để đưa lạm phát từ 3% xuống 2%.
Cổ phiếu VinFast ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp, cũng là phiên tăng thứ 6 trong vòng 9 phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu này kể từ khi bắt đầu niêm yết trên sàn Nasdaq. Sự bùng nổ của VFS được tiếp tục bằng mức tăng 19,77 USD/cổ phiếu, tương đương tăng 40,35%, đưa mã này chốt phiên ở mức 68,77 USD/cổ phiếu.
Đến phiên này, vốn hoá của hãng xe điện do tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng sáng lập đã đạt gần 160 tỷ USD. Mức vốn hoá này của VinFast đã bằng khoảng 3/4 vốn hoá của Toyota và gấp hơn 2,5 lần vốn hoá của BMW.
Toyota - hãng xe Nhật với doanh số toàn cầu khoảng 10,5 triệu xe trong năm 2022 - hiện có giá trị vốn hoá trị trường đạt khoảng 222,5 tỷ USD. Trong khi đó, BMW - một trong những biểu tượng của công nghiệp ô tô Đức - được định giá ở mức khoảng 63 tỷ USD.
Theo xếp hạng tỷ phú của tạp chí Forbes, nhờ đà tăng mạnh mẽ của VFS, ông Vượng là tỷ phú kiếm tiền nhiều nhất thế giới ngày 25/8, khi khối tài sản ròng cá nhân của ông tăng thêm 14,7 tỷ USD, đạt mức 55,8 tỷ USD. Hiện ông Vượng đang giàu thứ 23 thế giới trong xếp hạng của Forbes, nhưng xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh của hãng tin Bloomberg lại không có tên ông.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,12 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 84,48 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,78 USD/thùng, tương đương tăng 1%, chốt ở 79,83 USD/thùng.
Theo hãng tin Reuters, động lực cho phiên tăng này của giá dầu thô là việc giá dầu diesel ở Mỹ tăng mạnh, số giàn khoan dầu ở Mỹ giảm xuống, và một vụ hoả hoạn xảy ra tại một nhà máy lọc dầu của bang Louisiana.
Giá dầu diesel tăng khoảng 5%, đạt mức cao nhất gần 7 tháng do lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung khi các nhà máy lọc dầu bước vào thời kỳ bảo dưỡng. Trong khi đó, theo dữ liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, trong tháng 8 này, các công ty dầu khí ở Mỹ đã có tháng thứ 8 liên tiếp giảm số giàn khoan dầu hoạt động - một dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu có thể giảm trong tương lai.
Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi đánh giá lạc quan của ông Powell về tình hình kinh tế Mỹ.
Dù vậy, giá dầu tiếp tục đương đầu áp lực giảm giá từ xu hướng tăng của đồng USD và những số liệu ảm đạm về các nền kinh tế lớn thời gian gần đây, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc và châu Âu. Phiên ngày thứ Sáu, đồng USD tăng lên mức cao nhất 1 tuần vì khả năng Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất và giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát.
Cả tuần này, giá dầu Brent giảm hơn 1% và giá dầu WTI giảm khoảng 2%. Tuần trước, giá cả hai loại dầu giảm khoảng 2%.
Một báo cáo của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự báo giá dầu Brent sẽ được hỗ trợ nhiều ở mốc khoảng 80 USD/thùng, vì nguồn cung dầu thô có thể sẽ thắt chặt trong thời gian còn lại của năm nay do nỗ lực hạn chế sản lượng của OPEC+, trước khi thị trường chuyển sang trạng thái dư cung nhẹ vào đầu năm tới.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.