Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 102,32 điểm, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 34.416,99 điểm. Vào đầu phiên giao dịch, chỉ số giảm 459 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,4%, đạt 4.363,55 điểm, sau khi giảm tới 1,27% vào đầu phiên. Chỉ số Nasdaq tăng 0,5%, đạt 14.501,91 điểm, sau khi giảm tới 1,2%.
Từ trước khi bước sang tháng 10, giới phân tích đã lường trước được việc đây sẽ là một tháng biến động mạnh của thị trường, khi tâm lý của nhà đầu tư bị ảnh hưởng nhiều bởi các vấn đề chính sách tài khoá và tiền tệ của Mỹ, cũng như những nút thắt trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh những mối lo này, các số liệu cũng lại cho thấy nền kinh tế Mỹ bắt đầu thoát khỏi đợt giảm tốc do biến chủng Delta – theo nhận định của chuyên gia Chris Hussey thuộc ngân hàng Goldman Sachs trong một báo cáo ra ngày 6/10.
Ông Hussey cho rằng, thị trường có thể bắt đầu tăng nhẹ khi bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 bắt đầu vào tuần tới.
Ngày 6/10, thủ lĩnh phe Cộng hoà tại Thượng viện Mitch McConnell đề xuất đình chỉ ngắn hạn trần nợ quốc gia của Mỹ nhằm chặn nguy cơ một vụ vỡ nợ quốc gia và một cuộc khủng hoảng kinh tế. Trước đó một ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cảnh báo nước Mỹ nên “hoàn toàn lường trước” một cuộc suy thoái kinh tế nếu vỡ nợ xảy ra.
Phiên này, các nhà đầu tư gom mua cổ phiếu công nghệ sau khi giá nhóm này giảm mạnh vào đầu tuần. Những cổ phiếu gắn với mở cửa kinh tế cho thấy sự đuối sức.
“Chúng tôi dự báo Quốc hội sẽ gắn việc tăng trần nợ với những điều khoản về thuế và chi tiêu trong một gói dự luật về ngân sách”, chiến lược gia trưởng Paul Christopher thuộc Wells Fargo Investment Institute nhận định. “Khi hạn chót đến gần mà trần nợ vẫn chưa được giải quyết, tâm lý lo ngại rủi ro có thể khiến thị trường biến động mạnh hơn. Nhưng chúng tôi tin rằng tăng trưởng kinh tế mới là nhân tố chính ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và trái phiếu cho tới sang năm”, ông nói thêm.
Sau mấy phiên liên tiếp tăng mạnh và đạt đỉnh nhiều năm, giá dầu thô sụt mạnh trong phiên này, sau khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố số liệu hàng tuần cho thấy lượng tồn kho tăng.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London sụt 1,8%, còn 81,08 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tụt 1,9%, còn 77,43 USD/thùng.
Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 83,47 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018, và giá dầu WTI đạt 79,78 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Nguyên nhân đưa giá dầu tăng mạnh gần đây là việc liên minh OPEC+ từ chối nâng mạnh hơn nữa sản lượng dầu, trong khi nguồn cung dầu toàn cầu đang tăng chậm hơn so với nhu cầu tiêu thụ.
“Một cuộc khủng hoảng năng lượng đáng xuất hiện, khi mùa đông ở bán cầu Bắc đã bắt đầu, mở đường cho giá dầu tăng cao hơn nữa”, nhà môi giới Stephen Brennock thuộc Oil PVM nhận định.
Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 2,3 triệu thùng trong tuần trước, thay vì giảm 418.000 thùng như dự báo trước đó. Ngoài ra, sản lượng dầu của Mỹ trong tuần đạt 11,3 triệu thùng/ngày, phục hồi gần như hoàn toàn sau cơn bão Ida hồi cuối tháng 8 và lên gần mức trước đại dịch, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kỷ lục sản lượng 13 triệu thùng/ngày thiết lập hồi năm 2019.
Năm nay, giá dầu Brent đã tăng hơn 50%. Giá khí đốt tự nhiên cũng mới lập kỷ lục tại thị trường châu Âu. Giá than xuất khẩu của một số quốc gia xuất khẩu than hàng đầu cũng cao chưa từng thấy.
Nhà phân tích Jeffrey Hally của Oanda nói rằng trong ngắn hạn, giá dầu có thể điều chỉnh, nhưng triển vọng tăng giá của nhiên liệu này không hề thay đổi.