August 25, 2022 | 07:34 GMT+7

Chứng khoán Mỹ cắt đà giảm 3 phiên, giá dầu tiếp tục đi lên

Bình Minh -

“Thị trường đang ‘câu giờ’ để có thêm thông tin về vấn đề quan trọng nhất, đó là lạm phát và đường đi lãi suất của Fed”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (24/8) nhờ sự bứt phá của cổ phiếu năng lượng và trong lúc nhà đầu từ chờ hội nghị của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá dầu thô có thêm một phiên tăng sau khi Mỹ đưa ra phản hồi về thoả thuận hạt nhân với Iran.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 59,64 điểm, tương đương tăng 0,18%, đạt 32.969,23 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,29%, đạt 4.140,77 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,41%, đạt 12.431,53 điểm.

Trước phiên tăng này, S&P 500 đã giảm 3 phiên liên tiếp, khi xu hướng phục hồi trước đó bị chặn lại bởi nỗi lo về sự thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt của Fed, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và những dấu hiệu về sự giảm tốc kinh tế ở Mỹ.

Giờ đây, sự chú ý của nhà đầu tư đang hướng tới hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, Wyoming. Hội nghị sẽ bắt đầu vào ngày thứ Năm (25/8) và Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có một bài phát biểu được chờ đợi vào ngày thứ Sáu. Thị trường kỳ vọng trong bài phát biểu này, nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ phát thêm tín hiệu về tiến độ tăng lãi suất trong thời gian tới và về việc liệu Fed có thể đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” hay không.

“Thị trường đang ‘câu giờ’ để có thêm thông tin về vấn đề quan trọng nhất, đó là lạm phát và đường đi lãi suất của Fed”, nhà quản lý danh mục Tom Martin thuộc Globalt Investments nhận định với hãng tin Reuters.

Các nhà giao dịch ở Phố Wall hiện vẫn đang tranh luận gay gắt về việc Fed sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm hay 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/8 tuyên bố Chính phủ sẽ xoá nợ 10.000 USD cho nhiều đối tượng sinh viên phải vay tiền để học đại học. Động thái này có thể giúp Đảng Dân chủ của ông Biden thu hút được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay, nhưng đồng thời cũng có thể làm áp lực lạm phát trong nền kinh tế gia tăng.

Trong thời gian còn lại của tuần này, thị trường còn đón nhận những báo cáo kinh tế quan trọng gồm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vào ngày thứ năm và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu. PCE là một thước đo lạm phát quan trọng mà Fed căn cứ vào để định hướng chính sách tiền tệ.

“Thị trường đang chờ những thông tin kinh tế quan trọng và bài phát biểu của ông Powell ở Jackson Hole. Giá cổ phiếu sẽ còn giằng co và nghiêng về giảm”, nhà quản lý danh mục Lisa Erickson của US Bank Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 cùng tăng phiên này, dẫn đầu là nhóm năng lượng với mức tăng 1,2% và nhóm bất động sản với mức tăng 0,7%.

Nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2022 không tệ như dự báo, S&P 500 hiện đã phục hồi 13% từ mức đáy thiết lập vào tháng 6. Trong một cuộc khảo sát gần đây của hãng tin Reuters, các chiến lược gia dự báo chỉ số sẽ kết thúc năm ở mức cao hơn một chút so với hiện nay.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau ở London tăng 1 USD/thùng, chốt ở mức 101,22 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau ở New York tăng 1,15 USD/thùng, đóng cửa ở 94,89 USD/thùng.

Giá dầu đã giằng co trong phiên giao dịch sau khi thị trường đón nhận tin mới liên quan đến thoả thuận hạt nhân Iran. Tehran cho biết đã nhận được phản hồi của Mỹ về văn bản cuối cùng của Liên minh châu Âu (EU) về khôi phục thoả thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran với các cường quốc. Trong phản hồi này, Mỹ nói sẽ không cân nhắc có thêm nhượng bộ đối với Iran.

Nếu thoả thuận hạt nhân được khôi phục, Iran sẽ được dỡ lệnh trừng phạt và tăng mạnh xuất khẩu dầu trở lại. Gần đây, khả năng này đã gây ra áp lực giảm lên giá dầu.

Tuần này, giá “vàng đen” cũng được hỗ trợ sau khi Saudi Arabia tuyên bố Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có thể xem xét cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Tuy nhiên, nguồn tin OPEC nói với Reuters rằng OPEC và đồng minh, tức nhóm OPEC+, có thể chỉ giảm sản lượng trong trường hợp Iran và các cường quốc khôi phục thoả thuận hạt nhân và Iran được tăng xuất khẩu dầu trở lại.

Theo nguồn tin, ở thời điểm hiện tại, sản lượng dầu của OPEC+ đã thấp hơn 2,9 triệu thùng/ngày so với hạn ngạch đề ra. Điều này đặt ra trở ngại cho việc tính toán mức cơ sở trong trường hợp cắt giảm sản lượng.

“Tình hình giá dầu và triển vọng nguồn cung hiện nay cho thấy OPEC+ chưa chắc sẽ cắt giảm sản lượng. Nguồn cung dầu toàn cầu có thể suy giảm khi Mỹ bước vào giai đoạn cao điểm của mùa bão biển hàng năm”, nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Oil nói với Reuters.

Số liệu của Chính phủ Mỹ ngày thứ Tư cho thấy nhu cầu xăng ở nước này suy yếu do hoạt động kinh tế giảm tốc. Trong 4 tuần gần nhất, nhu cầu tiêu thụ xăng bình quân hàng ngày ở Mỹ giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Sự sụt giảm của nhu cầu xăng đang kéo thị trường xuống”, Chủ tịch Andy Lipow của Lipow Oil Associates nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate