November 30, 2023 | 08:00 GMT+7

Chứng khoán Mỹ chờ báo cáo lạm phát quan trọng, giá dầu tăng hơn 1%

Bình Minh -

Trong lúc đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều đang tiến gần mức đỉnh của năm thiết lập vào mùa hè năm nay...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư (29/11) trong trạng thái không đồng nhất, khi nhà đầu tư chờ công bố một báo cáo lạm phát quan trọng dự kiến công bố vào ngày thứ Năm - điểm dữ liệu có thể gây dịch chuyển kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô tăng hơn 1% trước khi nhóm OPEC+ tiến hành cuộc họp sản lượng được mong đợi.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 13,44 điểm, tương đương tăng 0,04%, chốt ở mức 35.430,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,09%, còn 4.550,58 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,16%, còn 14.258,49 điểm.

Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng trưởng với tốc độ hàng năm 5,2% trong quý 3 vừa qua, mạnh hơn so với dữ liệu công bố lần đầu là mức tăng 4,9%. Phần tăng thêm chủ yếu đến từ điều chỉnh số liệu về chi tiêu chính phủ và đầu tư ngoài lĩnh vực bất động sản nhà ở.

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ có thể đẩy lùi mốc thời gian mà Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, báo cáo GDP là dữ liệu nhìn lại, trong khi các báo cáo gần đây hơn cho thấy nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu giảm tốc hơn. Bởi vậy, số liệu GDP điều chỉnh không có nhiều ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong phiên ngày thứ Tư. Thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) dự kiến công bố vào ngày thứ Năm.

PCE là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, nên có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của nhà đầu tư về thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất trong năm 2024. Gần đây, thị trường tin rằng Fed đã hoàn tất việc nâng lãi suất và sẽ chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa đầu năm tới. Đây là động lực đưa tháng 11 này trên đà trở thành tháng tăng mạnh nhất của chứng khoán Mỹ kể từ đầu năm.

Cả ba chỉ số đều đang tiến gần mức đỉnh của năm thiết lập vào mùa hè năm nay. Để lập lại mức đỉnh của năm, Dow Jones cần tăng thêm 0,5%; S&P 500 cần tăng thêm 0,8%; và Nasdaq cần tăng thêm 0,7%.

Kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục giảm trong phiên này. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm dưới mốc 4,3% lần đầu tiên kể từ tháng 9. Lợi suất trái phiếu giảm giúp giải toả áp lực mất giá mà thị trường cổ phiếu đã đương đầu trong suốt quý 3 năm nay - khi nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.

“Có lẽ thị trường cần có thời gian để ‘tiêu hoá’ đợt tăng vừa rồi và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu điều đó diễn ra trong thời gian đầu của tháng 12, một khuynh hướng thường thấy trong lịch sử. Nhưng mặt khác, tháng 12 cũng thường là một tháng tốt của thị trường, nên tôi cũng không lấy làm bất ngờ nếu thị trường tiếp tục có những diễn biến tích cực trong thời gian từ nay tới hết năm”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.

Chiến lược gia trưởng Adam Turnquist của công ty LPL Financial thì dự báo S&P 500 có thể đạt mốc 4.600 điểm vào cuối năm nay. “Ngay bây giờ, thị trường chỉ nhìn vào xu hướng dài hạn của lạm phát. Rõ ràng là lạm phát đang giảm và Fed cũng thừa nhận điều đó. Cơ hội để thị trường tăng trong mùa Giáng sinh đang tăng lên. Cổ phiếu bây giờ chưa tới mức quá mua (overbought), nên vẫn còn cơ hội để nhà đầu tư tham gia”, ông Turnquist nhận định.

Trên thị trường lãi suất tương lai, đặt cược của nhà đầu tư đang bắt đầu xuất hiện khả năng Fed cắt giảm lãi suất ngay trong mùa xuân 2024. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Birkin ngày 29/11 nói rằng Fed vẫn có thể tăng lãi suất nếu lạm phát không tiếp tục giảm.

Tính từ đầu tháng, S&P 500 đã tăng 8,5%; Dow Jones tăng 7,2%; và Nasdaq tăng 10,9%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,42 USD/thùng, tương đương tăng 1,74%, chốt ở mức 83,1 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,45 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, chốt ở 77,86 USD/thùng.

Dầu tăng giá do sự gián đoạn nguồn cung gây ra bởi một cơn bão trên Biển Đen, và báo cáo thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm thay vì tăng như dự báo. Trước phiên này, giá dầu đã tăng khoảng 2% trong phiên ngày thứ Ba khi thị trường cho rằng OPEC+ sẽ gia hạn các kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu hoặc cắt giảm sản lượng sâu hơn.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga. Cuộc họp sản lượng của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 30/11. Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng các thành viên của liên minh vẫn đang tiến hành các cuộc thảo luận về hạn ngạch sản lượng, nhưng việc đàm phán gặp khá nhiều trở ngại do bất động giữa các bên.

“Nếu OPEC+ không đạt được một thoả thuận sơ bộ về sản lượng, rất có thể cuộc họp lại bị hoãn, và điều đó sẽ làm gia tăng áp lực giảm lên giá dầu”, một báo cáo của ngân hàng ING nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate