Thị trường chứng khoán Mỹ gần như đi ngang khi chốt lại phiên giao dịch nhiều biến động vào ngày thứ Hai (8/4), khi nhà đầu tư chờ dữ liệu lạm phát và những báo cáo tài chính đầu tiên trong mùa công bố kết quả kinh doanh sắp khởi động. Giá dầu thô giảm sau khi có tin Israel rút bớt quân khỏi dải Gaza, trong khi giá bitcoin đạt cao nhất 3 tuần.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 11,24 điểm, tương đương giảm 0,03%, chốt ở mức 38.892,8 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,04%, còn 5.202,39 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,03%, đạt 16.253,96 điểm.
Yếu tố gây áp lực giảm trong phiên này là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11. Lợi suất đã tăng mạnh từ hôm thứ Sáu, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 3 tốt hơn nhiều so với dự báo.
Số liệu việc làm mới nhất làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên. Rủi ro Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng gần như liên tục trong thời gian gần đây.
“Phố Wall đang điều chỉnh kỳ vọng để phản ánh rằng Fed có thể giảm lãi suất chậm hơn. Hiện tại, thời điểm Fed có thể hạ lãi suất đã lùi sang tháng 7 thay vì tháng 6 như kỳ vọng gần đây”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research cho biết.
Ngày thứ Tư, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các nhà kinh tế dự báo CPI toàn phần tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 3,2% trong tháng 2. Điều này đồng nghĩa tiến trình giảm lạm phát về mục tiêu 2% của Fed đang ngày càng chậm lại, thậm chí có thể bị đảo ngược.
“Tôi không cho rằng nhà đầu tư muốn đặt cược nhiều theo một chiều hướng nào đó trước khi báo cáo CPI được công bố”, CEO Jay Hatfield của công ty InfraCap nhận định.
Phát biểu ngày thứ Hai, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee cho biết ngân hàng trung ương này cần cân nhắc về việc có thể duy trì chính sách thắt chặt trong bao lâu mà không gây tổn hại cho nền kinh tế. Đánh giá về phát biểu của ông Gooldsbee, ông Hatfield cho rằng nhà hoạch định chính sách này có lập trường mềm mỏng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức khác của Fed phát biểu trong tuần trước đều bày tỏ quan điểm nghiêng về cứng rắn và thận trọng hơn trong việc khởi động chu kỳ nới lỏng.
Mùa báo cáo tài chính quý 1/2024 sẽ khởi động vào ngày thứ Sáu tuần này, với loạt báo cáo từ các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo. Giới phân tích hiện kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp thành viên S&P 500 đạt 5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với kỳ vọng tăng trưởng 7,2% đưa ra hồi đầu quý này - theo dữ liệu từ LSEG.
Cổ phiếu tiền ảo tăng mạnh trong phiên này, khi giá bitcoin có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần. Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá bitcoin ở mức gần 71.440 USD, tăng hơn 3,2% so với cách đó 24 tiếng và tăng gần 3% so với cách đó 1 tuần. Cách đây 1 tuần, giá bitcoin có lúc giảm về ngưỡng 65.000 USD.
Theo một số nhà phân tích, giá bitcoin hồi trên 70.000 USD là một dấu hiệu cho thấy giá tiền ảo này tiếp tục được hỗ trợ bởi sự kiện phân đôi (halving) sắp diễn ra trong tháng 4 này, cũng như kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương lớn sẽ giảm lãi suất trong năm nay, và kỳ vọng về việc cơ quan chức năng Mỹ sẽ sớm cho phép mở các quỹ ETF ethereum giao ngay.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 5 giảm 0,48 USD/thùng, tương đương giảm 0,55%, chốt ở mức 86,43 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6 giảm 0,79 USD/thùng, tương đương giảm 0,87%, còn 90,38 USD/thùng.
Dầu giảm giá sau khi có tin Israel vào cuối tuần vừa rồi rút quân khỏi thành phố Khan Younis ở miền Nam dải Gaza. Với đợt rút quân này, số binh sỹ Israel ở Gaza đã giảm xuống mức thuộc hàng thấp nhất kể từ khi chiến tranh Israel-Hamas nổ ra vào tháng 10 năm ngoái. Cùng với đó, các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas tiếp tục diễn ra ở thủ đô Cairo của Ai Cập.
Tuần trước, giá dầu tăng hơn 4% do căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu trực tiếp và xung đột lan rộng ở Trung Đông, gây gián đoạn nguồn cung dầu.
Cuối tuần vừa rồi, một cố vấn quân sự hàng đầu của Iran cảnh báo Israel rằng các đại sứ quán của nước này có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công. Tehran đổ lỗi cho Israel về vụ tấn công tên lửa vào thứ Hai tuần trước nhằm vào lãnh sự quán nước này ở Damascus, Syria - vụ tấn công khiến chỉ huy hàng đầu của Iran Mohammad Reza Zahedi thiệt mạng.
Tướng Rahim Safavi, cố vấn của lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, tuyên bố: “Không có đại sứ quán nào của Israel còn an toàn nữa”.
Trong khi đó, chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga cũng là một nhân tố hỗ trợ dầu thô. Các cuộc tấn công này diễn ra đúng vào lúc nguồn cung toàn cầu đang trở nên thắt chặt do nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.