September 17, 2022 | 07:46 GMT+7

Chứng khoán Mỹ có tuần giảm mạnh nhất 3 tháng, giá dầu cũng tụt gần 2% tuần này

Bình Minh -

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (16/9), hoàn tất tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 6, khi nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với cảnh báo của hãng vận chuyển FedEx về sức khoẻ của nền kinh tế toàn cầu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thô cũng hoàn tất một tuần đi xuống do nỗi lo về lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 139,4 điểm, tương đương giảm 0,45%, còn 30.822,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,72%, còn 3.873,33 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,9%, còn 11.448,4 điểm. Phiên giảm này đưa chứng khoán Mỹ tụt xuống mức đáy của 2 tháng.

Cổ phiếu FedEx lao dốc 21,4%, cú giảm mạnh chưa từng thấy trong lịch sử của công ty này với tư cách một doanh nghiệp niêm yết đại chúng, sau khi FedEx rút lại dự báo kết quả kinh doanh cả năm và nói rằng sẽ triển khai các sáng kiến cắt giảm chi phí để ứng phó với tình trạng suy yếu của khối lượng vận tải hàng hoá trên toàn cầu. Lý do được FedEx đưa ra cho động thái này là tình hình nền kinh tế toàn cầu “đã xấu đi nhiều”.

Cổ phiếu giao thông thường được xem là một chỉ báo hàng đầu về thị trường chứng khoán cũng như sức khoẻ của nền kinh tế. FedEx nêu rõ rằng sự suy yếu của khu vực châu Á là một trong những lý do chính cho triển vọng bi quan mà công ty đưa ra. Hai hãng vận tải đối thủ của FedEx là UPS và XPO Logistics chứng kiến giá cổ phiếu giảm tương ứng 4,5% và 4,7%. Cổ phiếu “đế chế” thương mại điện tử Amazon sụt 2,1%.

Thông tin u ám từ FedEx được đưa ra không lâu sau báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Ba tuần này. Dữ liệu lạm phát này đã thổi bùng nỗi lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ buộc phải duy trì việc tăng lãi suất mạnh tay để chống lại sự leo thang của giá cả và việc đó sẽ kéo nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Hôm thứ Ba, chứng khoán Mỹ trải qua một phiên bán tháo dữ dội vì số liệu này, với Dow Jones mất hơn 1.200 điểm.

“Đang có nhiều mối lo về tình trạng kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, trong khi nền kinh tế Mỹ đang phải ứng phó với một loạt vấn đề nghiêm trọng của chính nó. Tôi cho rằng đó là điều mà mọi người đang nhận ra”, nhà phân tích Callie Cox của eToro phát biểu.

Đây là tuần giảm tồi tệ nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 6 và là tuần giảm thứ 4 trong vòng 5 tuần trở lại đây của cả ba chỉ số. Sự giảm điểm này cho thấy đợt tăng trong mùa hè vừa qua rất có thể chỉ là một sự phục hồi ngắn trong xu hướng thị trường đầu cơ giá xuống (bear market rally). Tính cả tuần này, Dow Jones mất 4,1%; S&P 500 trượt 4,8%; và Nasdaq mất 5,5% điểm số.

Diễn biến chỉ số S&P 500 trong 5 năm trở lại đây.
Diễn biến chỉ số S&P 500 trong 5 năm trở lại đây.

Theo dữ liệu từ sàn giao dịch CME, giới đầu tư đang đặt cược nhiều hơn vào khả năng Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới. Bước nhảy 1 điểm phần trăm cũng được tính đến, nhưng với khả năng thấp hơn. Tuần tới cũng có cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Phát biểu ngày thứ Sáu, Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nói rằng sự giảm tốc của nền kinh tế Eurozone sẽ không đủ để kéo lạm phát xuống và ECB sẽ tiếp tục phải tăng lãi suất.

Giữ vai trò như một chỉ báo về kỳ vọng lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm có lúc tăng lên mức 3,924% trong phiên ngày thứ Sáu, mức cao nhất kể từ năm 2007.

Nhà đầu tư bi quan là tâm lý chung của thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên giao dịch cuối của tuần. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu giảm 1,58% và chỉ số MSCI All Country World Index của thị trường thế giới mất 0,96% điểm số.

Giá dầu thô tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Sáu, khi đà tăng giá của đồng USD chững lại. Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,51 USD/thùng, đạt 91,35 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,01 USD/thùng, chốt ở 85,11 USD/thùng.

Cả tuần, giá cả hai loại dầu cùng giảm gần 2% do đà tăng mạnh của đồng USD và nỗi lo về lãi suất tăng cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Dù vậy, giá “vàng đen” vẫn đang được nâng đỡ bởi khả năng nguồn cung dầu thắt chặt hơn một khi châu Âu chính thức cấm vận dầu Nga từ đầu tháng 12.

Trong quý 3 này, giá dầu Brent và dầu WTI đều đã giảm khoảng 20%, tiến tới hoàn tất quý giảm mạnh nhất kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào năm 2020.

“Khả năng gia tăng xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ hạn chế triển vọng tăng của giá dầu trong tháng tới và cả sau đó nữa”, chuyên gia Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates nhận định.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại London trong 5 năm qua. Đơn vị: USD/thùng.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại London trong 5 năm qua. Đơn vị: USD/thùng.

Tuần này, thị trường dầu còn lo ngại khi một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong quý 4 năm nay có thể chỉ bằng 0 do nhu cầu của Trung Quốc yếu đi.

“Cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều đã cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong năm sau. Điều này báo hiệu xấu cho nhu cầu dầu”, nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Oil nhận định. “Nỗi lo suy thoái cộng với kỳ vọng lãi suất tăng ở Mỹ là một sự kết hợp bất lợi đối với giá dầu”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate