Thị trường chứng khoán Mỹ gần như đi ngang trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (24/4), khi mối lo về lãi suất cao hơn lâu hơn cân bằng loạt báo cáo tài chính tốt hơn dự báo từ các công ty niêm yết. Giá dầu thô giảm vì nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là báo cáo GDP quý 1 của Mỹ sắp được công bố, trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông xuống thang.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,02%, đạt 5.071,63 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 42,77 điểm, tương đương giảm 0,11%, còn 38.460,92 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,1%, chốt ở 15.712,75 điểm.
Phiên này, giá cổ phiếu tiếp tục đương đầu với áp lực giảm từ xu hướng tăng gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Trong phiên, có thời điểm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mức 4,67%, trong khi lợi suất của kỳ hạn 2 năm vượt 4,95%.
“Một yếu tố bất lợi cho giá cổ phiếu bây giờ là lợi suất của trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng 70 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay. Đây là một mức tăng lớn. Nếu lợi suất của kỳ hạn này lên mức 5%, thì đó sẽ là một vấn đề rất nghiêm trọng trong ngắn hạn đối với thị trường”, Chủ tịch Todd Morgan của công ty Bel Air Investment Advisors nhận định với hãng tin CNBC.
Lợi suất tăng do thị trường lo ngại rằng với tiến trình giảm lạm phát đang chững lại, thậm chí có thể đảo ngược, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ trì hoãn việc giảm lãi suất, thậm chí không giảm lãi suất trong năm nay. Kỳ vọng về lãi suất phụ thuộc vào các số liệu kinh tế Mỹ, bao gồm hai số liệu quan trọng sẽ được công bố trong tuần này gồm tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 vào ngày thứ Năm và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu.
Phiên ngày thứ Tư tiếp tục đón nhận nhiều báo cáo tài chính khả quan từ các công ty niêm yết. Trong số 25% doanh nghiệp thành viên S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý 1 tính đến thời điểm này, có 79% đạt kết quả tốt hơn dự báo - theo dữ liệu từ FactSet.
Cổ phiếu Tesla tăng 12% sau khi hãng xe điện công bố nỗ lực mới ở phân khúc tầm trung. Sự tăng điểm này diễn ra ngay cả khi cả doanh thu và lợi nhuận quý 1 của hãng không đạt kỳ vọng.
“Nói chung, tình hình kết quả kinh doanh cho thấy những tín hiệu tốt”, nhà quản lý danh mục Ayako Yoshioda của công ty Wealth Enhancement Group nhận định.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,55 USD/thùng, tương đương giảm gần 0,7%, chốt ở mức 82,81 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,4 USD/thùng, tương đương giảm 0,45%, còn 88,02 USD/thùng.
Dù giảm phiên này, giá dầu WTI vẫn tăng hơn 15% từ đầu năm đến nay và giá dầu Brent tăng khoảng 14%.
Trong một báo cáo công bố hôm thứ Ba tuần này, ngân hàng Goldman Sachs nhận định thị trường dầu đang đương đầu với áp lực giảm vì xung đột giữa Israel và Iran dịu đi, trong khi lượng dầu tồn trữ trên toàn cầu tăng và những lô dầu trước đây bị kẹt trên biển do các cuộc tấn công ở Biển Đỏ giờ đã cập bến. Tất cả những yếu tố này giúp giải toả bớt sự thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu.
Goldman Sachs cũng cho rằng phần bù rủi ro địa chính trị đã được phản ánh vào giá dầu sẽ giảm đi thêm 5-10 USD/thùng trong những tháng tới nếu tình hình Trung Đông tiếp tục lắng dịu.
Nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil cũng cho rằng khả năng giá dầu Brent tăng kéo dài trên 95 USD/thùng là thấp ở thời điểm này. Ông Varga cho rằng dòng chảy dầu thô từ Trung Đông đến nay chưa hề bị ảnh hưởng bởi xung đột, sản lượng dầu của Mỹ vẫn tăng, và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPC) có công suất dôi dư để tăng sản lượng trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung.
“Có thể kết luận rằng những yếu tố này đã khiến giá dầu Brent giảm nhanh từ mức 92 USD/thùng cách đây chưa đầy 2 tuần xuống còn 86 USD/thùng vào hôm thứ Hai tuần này”, ông Varga viết trong một báo cáo hôm thứ Tư.