April 05, 2024 | 07:49 GMT+7

Chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” trước báo cáo việc làm, giá dầu bứt phá qua 90 USD/thùng

Bình Minh -

Thị trường chứng khoán Mỹ sụt điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/4), khi nhà đầu tư chờ báo cáo việc làm tháng 3 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu thô tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị và nỗi lo Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn cũng là những yếu tố gây bất lợi cho giá cổ phiếu ở Phố Wall.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 530,16 điểm, tương đương giảm 1,35%, còn 38.596,98 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2023 và là phiên giảm thứ tư liên tiếp.

Chỉ số S&P 500 trượt 1,23%, còn 5.147,21 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,4%, còn 16.049,08 điểm.

Phiên này chứng kiến mức độ biến động mạnh, khi cả ba chỉ số cùng chìm sâu hơn trong sắc đỏ vào cuối phiên, tụt hơn 2% so với mức cao của phiên. Từ đỉnh đến đáy, Dow Jones dao động trong phạm vi hơn 860 điểm.

Giá dầu thô tăng mạnh vào giữa phiên, khiến mức độ biến động của thị trường chứng khoán càng tăng thêm. Lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường Mỹ vượt qua mốc 86 USD/thùng, làm dấy lên mối lo về sự tăng tốc trở lại của lạm phát.

Phát biểu vào buổi chiều ngày thứ Năm, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis - ông Neel Kashkari - bày tỏ băn khoăn về việc liệu Fed có nên cắt giảm lãi suất khi lạm phát vẫn còn dai dẳng. Phát biểu này là sự tiếp nối những nhận định đầy thận trọng gần đây của giới chức Fed về lãi suất.

Ngay lập tức, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm quay đầu tăng khỏi mức đáy của phiên. Ở thời điểm cuối phiên, lợi suất của kỳ hạn này ở mức 4,305%. Trong phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm 4,429%, mức cao nhất kể từ đầu năm. Sự gia tăng của lợi suất phản ánh mối lo trên thị trường rằng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.

“Nhà đầu tư đang giữ quan điểm chờ xem. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm là động lực chủ đạo vì phản ánh kỳ vọng về mức độ sẵn sàng của Fed trong việc cắt giảm lãi suất. Diễn biến của lợi suất đang khẳng định một điều rằng Fed sẽ chậm hơn trong việc hạ lãi suất”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định.

Ông Stovall cũng nhấn mạnh rằng giá cổ phiếu vẫn đang đắt, với hệ số P/E (giá/thu nhập dự phóng) của chỉ số S&P 500 đang cao hơn 33% so với mức bình quân dài hạn.

“Điều này gây bối rối một chút. Tôi cho rằng trước sau gì thị trường cũng để mất một phần thành quả tăng”, ông Stovall nói.

S&P 500 đã giảm trong 3/4 phiên giao dịch từ đầu tuần đến nay, với tổng mức giảm là 2%. Dow Jones giảm liên tục từ đầu tuần, với mức giảm gần 3%. Nasdaq giảm 2% trong cùng khoảng thời gian.

Hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói vẫn còn dư địa để Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng ngân hàng trung ương này sẽ cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang giảm về mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trước khi có thể bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Một báo cáo kinh tế Mỹ quan trọng sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu, và đó là báo cáo việc làm tổng thể tháng 3 đến từ Bộ Lao động nước này.

Giới chuyên gia đang dự báo khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có thêm 200.000 việc làm mới trong tháng 3, và tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ về 3,8%. Trong tháng 2, mức tăng trưởng việc làm ở Mỹ đạt 275.000 công việc trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước lên 3,9%. Một báo cáo tốt hơn dự báo có thể thúc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng hơn nữa và gây áp lực buộc Fed phải duy trì lãi suất cao hơn - một điều không có lợi cho giá cổ phiếu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,16 USD/thùng, tương đương tăng 1,36%, chốt ở mức 86,59 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 1,3 USD/thùng, tương đương tăng 1,45%, chốt ở mức 90,65 USD/thùng.

Động lực đưa giá dầu bứt phá phiên này vẫn là tình hình căng thẳng ở Trung Đông - khu vực giữ vai trò một nguồn cung cấp dầu quan trọng của thế giới. Tờ báo Jerusalem Post đưa tin các sứ quán của Israel đã được đặt trong tình trạng báo động sau khi Iran thề sẽ trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào lãnh sự quán Iran ở Damascus, Syria hồi đầu tuần này. Còn theo tờ Times of Israel, quân đội Israel đã dừng cho phép các binh sỹ thuộc lực lượng chiến đấu về nghỉ phép trong bối cảnh căng thẳng với Tehran leo thang.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày thứ Năm cảnh báo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên cứu trợ và tình hình nhân đạo ở Gaza là “không thể chấp nhận được”. Ông Biden nói với ông Netanyahu rằng chính sách của Mỹ về cuộc chiến ở Gaza sẽ được quyết định bởi các bước mà Israel thực hiện để giải quyết vấn đề nhân đạo.

Lời cảnh báo trên của nhà lãnh đạo Mỹ được đưa ra sau một cuộc tấn công của Israel trong tuần này khiến 7 nhân viên cứu trợ của tổ chức World Central Kitchen thiệt mạng, trong đó có một người mang hai quốc tịch Mỹ-Canada.

Giá dầu đã tăng mạnh trong năm nay, ghi nhận ba tháng tăng liên tiếp. Trong đó dầu WTI tăng gần 21% trong khi dầu Brent tăng 18%. Xu hướng tăng này được thúc đẩy bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và Đông Âu, cũng như triển vọng thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu.

Theo nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital, căng thẳng giữa Iran và Israel đang làm dấy lên mối lo ngại về sự lan rộng của xung đột vũ trang ở Trung Đông. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng chính các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào hạ tầng dầu khí của Nga mới thực sự là nhân tố ảnh hưởng đến giá dầu.

“Hạ tầng lọc dầu và các cơ sở dầu khí khác của Nga đã bị thiệt hại, và điều này ảnh hưởng đến sản lượng dầu của họ. Lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh nổ ra, chúng ta rốt cục sẽ phải đối mặt với sự suy giảm rõ rệt của nguồn cung dầu từ Nga”, ông Kilduff nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate