Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (28/9), với cổ phiếu công nghệ bị bán tháo mạnh nhất, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt lên đỉnh 3 tháng và Quốc hội nước này tiếp tục bế tắc về vấn đề trần nợ quốc gia. Giá dầu quay đầu giảm sau khi vượt mốc 80 USD/thùng sau gần 3 năm.
Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq sụt 2,83%, còn 14.546,68 điểm, đánh dấu phiên giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3. Chỉ số S&P 500 trượt 2,04%, còn 4.352,63 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 1,63%, còn 34.299,99 điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục đà leo thang trong phiên này, có lúc tăng tới 1,567%, khi giới đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản trước khi khép lại năm 2021 để chống lại lạm phát tăng mạnh.
Mới hồi tháng 8, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc chỉ ở mức 1,13%. Lợi đã có cú đảo chiều chóng mặt và đang ở vùng cao nhất kể từ tháng 6, sau khi Fed vào tuần trước tuyên bố sẽ “sớm” cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD/tháng.
“Thị trường nhanh chóng nhìn vào sự thật rằng lợi suất đang quá thấp so với các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Fed giờ đang dịch chuyển, và tất cả mọi người cũng phải điều chỉnh trạng thái, cùng một lúc”, chiến lược gia trưởng về trái phiếu của Schwab Center for Financial Research, bà Kathy Jones, nhận định với hãng tin CNBC.
Lợi suất trái phiếu tăng cao khiến dòng tiền tương lai của các công ty công nghệ giảm giá trị. Giá cổ phiếu công nghệ vì thế giảm chóng mặt khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh. Ngoài ra, lãi suất tăng cũng gây trở ngại cho khả năng của các công ty công nghệ trong việc đầu tư mở rộng hoạt động và mua lại cổ phiếu.
Facebook, Microsoft và Alphabet đồng loạt chứng kiến giá cổ phiếu giảm hơn 3%; Amazon sụt hơn 2%. Các cổ phiếu chip lớn cũng lao đao, như Nvidia giảm 4,5%.
Phủ bóng lên thị trường phiên này còn là thế bế tắc về trần nợ quốc gia của Mỹ. Hôm thứ Hai, phe Cộng hoà trong Thượng viện nước này chặn một dự luật về cấp ngân sách cho Chính phủ đến tháng 12 và đình chỉ trần nợ quốc gia cho tới tháng 12/2022.
Nếu đến ngày thứ Sáu tuần này, Quốc hội Mỹ vẫn chưa có giải pháp cấp vốn mới cho Chính phủ Mỹ, thì Chính phủ sẽ phải đóng cửa vì hết ngân sách hoạt động. Trong một lá thư ngày 28/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng nếu trần nợ khôg được nâng trước ngày 18/10, Chính phủ Mỹ sẽ vỡ nợ.
Ngoài ra, kế hoạch đầu tư hạ tầng 1 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden cũng đang đối mặt một tương lai bấp bênh.
“Những gì đang diễn ra ở Washington chắc chắn không giúp ích gì cho thị trường. Có quá nhiều bấp bênh xung quanh chính sách thuế và trần nợ”, chiến lược gia cổ phiếu Jeff Buchbinder thuộc LPL Financial nhận xét.
Dù cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, những nhóm cổ phiếu liên quan nhiều đến sự mở cửa trở lại của nền kinh tế vẫn tăng nhẹ phiên này. Cổ phiếu hãng xe Ford tăng 1% sau khi công ty công bố kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất mới ở Mỹ.
Phiên giảm này làm gia tăng mức độ thiệt hại của chứng khoán Mỹ trong tháng 9. Tính từ đầu tháng, Nasdaq đã sụt 4,7%; trong khi S&P 500 và Dow Jones giảm tương ứng 3,8% và 3%.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu Brent có lúc vượt 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2018, nhưng không duy trì được thành quả này cho tới khi đóng cửa.
Chốt phiên, giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,55%, còn 79,09 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,21%, còn 75,29 USD/thùng.
Phiên giảm này chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp của giá dầu. Tính đến tuần trước, dầu thô đã tăng giá 5 tuần liên tiếp, và đã tăng hơn 50% kể từ đầu năm. Giá dầu đang được hỗ trợ mạnh mẽ bởi sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ dầu khi kinh tế thế giới khởi sắc trong khi nguồn cung dầu thắt chặt.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent có thể đạt 90 USD/thùng vào cuối năm nay do nhu cầu tiếp tục phục hồi. Trước đó, Goldman đưa ra mức giá mục tiêu của dầu Brent vào cuối năm là 80 USD/thùng.