October 18, 2023 | 08:06 GMT+7

Chứng khoán Mỹ đuối sức sau báo cáo bán lẻ, giá dầu chờ tin chuyến thăm Israel của ông Biden

Bình Minh -

Áp lực lên thị trường trong phiên này chủ yếu đến từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ bật tăng sau báo cáo doanh thu bán lẻ tháng 9 tốt hơn dự báo...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (17/10) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi báo cáo tài chính khả quan của một số công ty giúp chỉ số Dow Jones tăng điểm, trong khi mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn và biện pháp hạn chế xuất khẩu chip mới đối với Trung Quốc khiến hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq đóng cửa trong sắc đỏ.

Giá dầu thô chững lại trong lúc nhà đầu tư chờ đợi tin tức về chuyến thăm Israel của Tổng thống Mỹ Joe Biden - một nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 13,11 điểm, tương đương tăng 0,04%, đạt 33.997,65 điểm. Chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - giảm 0,01%, còn 4.373,2 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,25%, còn 13.533,75 điểm.

Áp lực lên thị trường trong phiên này chủ yếu đến từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ bật tăng sau báo cáo doanh thu bán lẻ tháng 9 tốt hơn dự báo. Ngoài ra, một báo cáo khác cho thấy hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ tăng mạnh hơn kỳ vọng. Những dữ liệu này đều là dấu hiệu về sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ.

Phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức gần 4,85%, cao nhất gần 2 tuần và cách không xa mức đỉnh của 16 năm thiết lập vào đầu tháng này.

Bị ảnh hưởng nhiều nhất từ kỳ vọng lãi suất tăng là cổ phiếu công nghệ, và đó là nguyên nhân khiến Nasdaq đuối hơn cả trong số 3 chỉ số. Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng khiến sức hấp dẫn của cổ phiếu giảm sút so với trái phiếu chính phủ, vì trái phiếu chính phủ là loại tài sản gần như không có rủi ro mà lại có lợi tức cố định, trong khi cổ phiếu là tài sản có độ rủi ro cao hơn.

“Tin tốt về kinh tế có thể là tin xấu cho thị trường chứng khoán vì đồng nghĩa với khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn và đẩy lùi mốc thời gian cho những đợt cắt giảm lãi suất tiềm năng trong năm 2024”, chiến lược gia Anthony Saglimbene của công ty Ameriprise Financial nhận định trong một báo cáo.

Ngoài ra, Nasdaq còn chịu tác động bất lợi khi Chính phủ Mỹ công bố các biện pháp mới nhằm siết chặt hạn chế đối với việc bán chip trí tuệ nhân tạo (AI) cho Mỹ. Loạt cổ phiếu chip như Nvidia và AMD đồng loạt bị bán tháo, với mức giảm tương ứng của hai cổ phiếu này là 4,7% và 1,2%. Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor Index, một thước đo giá cổ phiếu các hãng chip niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm 0,8%.

Thị trường cũng đang tiếp tục đánh giá ảnh hưởng của chiến tranh Israel-Hamas, và nghiền ngẫm loạt báo cáo tài chính quý 3 đã được công bố, trong đó có kết quả đến từ các định chế tài chính lớn như Bank of America, Goldman Sachs hay Bank of New York Mellon.

Cổ phiếu Bank of America tăng 2,3% sau khi nhà băng này công bố kết quả kinh doanh khả quan hơn kỳ vọng, góp phần đưa nhóm cổ phiếu tài chính trong S&P 500 tăng 0,6% và trở thành nhóm tăng tốt nhất trong phiên này.

“Thị trường đã có những báo cáo tài chính khả quan đến từ hầu hết các công ty công bố báo cáo trong ngày hôm nay. Nhưng các chỉ số vẫn yếu đi vì lợi suất tăng”, nhà kinh tế trưởng Peter Cardillo của công ty Spartan Capital Securities trao đổi với hãng tin Reuters.

Mùa báo cáo tài chính mới ở giai đoạn bắt đầu nhưng trong số các doanh nghiệp đã báo cáo, có 83% đạt lợi nhuận tốt hơn dự báo và 70% đạt doanh thu tốt hơn dự báo - theo dữ liệu từ FactSet.

“Việc lợi nhuận vượt kỳ vọng không có gì là bất ngờ, vì kỳ vọng được đặt ra ở mức thấp. Quan trọng là triển vọng kinh doanh như thế nào, và đường đi của lãi suất mới là nhân tố quyết định giá cổ phiếu trong ngắn đến trung hạn”, ông Saglimbene đánh giá.

Theo dự kiến, ông Biden sẽ thăm Israel vào ngày 18/10 để thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với nước này trong cuộc chiến tranh Israel-Hamas. Trong khi đó, chiến sự tiếp tục căng thẳng, với khoảng 500 người Palestine thiệt mạng trong một vụ nổ tại một bệnh viện ở dải Gaza vào ngày 17/10 và chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,25 USD/thùng, chốt ở mức 89,9 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giữ nguyên ở mức 86,66 USD/thùng, mức giá đóng cửa của phiên trước.

Mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn đang gây áp lực giảm lên giá dầu. Tuy nhiên, nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông nếu chiến tranh lan rộng đang là nhân tố hỗ trợ giá năng lượng.

“Các nhà giao dịch dầu lửa đang chờ xem liệu các nỗ lực ngoại giao của Mỹ có thành công trong việc ngăn xung đột Israel-Hamas lan rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực”, nhà phân tích Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định.

Thị trường cũng đang đánh giá về khả năng nguồn cung dầu tăng từ Venezuela. Chính phủ quốc gia Nam Mỹ này và phe đối lập đang chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán bị trì hoãn, và kết quả có thể dẫn tới việc Mỹ nới trừng phạt đối với Caracas - theo giới thạo tin.

Mỹ áp lệnh trừng phạt lên xuất khẩu dầu của Venezuela, một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) từ năm 2019, nhằm gây trở ngại cho chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro sau cuộc bầu cử năm 2018 - cuộc bỏ phiếu mà Washington cho là có gian lận dẫn tới chiến thắng của ông Maduro trước phe đối lập.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate