Thị trường chứng khoán Mỹ chững lại trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (16/11), khi nhà đầu tư dường như muốn nghỉ ngơi sau đợt tăng kéo dài từ đầu tháng tới nay. Giá dầu thô giảm sâu xuống mức thấp nhất 4 tháng vì mối lo về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 45,74 điểm, tương đương giảm 0,13%, còn 34.945,47 điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp.
Tuy nhiên, hai chỉ số còn lại vẫn tăng nhẹ. S&P 500 tăng 0,12%, đạt 4.508,24 điểm; Nasdaq tăng 0,07%, đạt 14.113,67 điểm.
Phiên giảm này của Dow Jones chủ yếu do áp lực đến từ cổ phiếu công ty thiết bị mạng Cisco Systems và hãng bán lẻ Walmart. Cisco giảm gần 10% sau khi đưa ra dự báo gây thất vọng về kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm. Walmart giảm 8% cũng do dự báo kết quả kinh doanh cả năm mà hãng đưa ra không được như kỳ vọng của giới đầu tư.
Một số cổ phiếu thành viên khác của Dow Jones cũng sụt giảm, góp phần khiến chỉ số blue-chip ngược dòng với hai chỉ số còn lại. Cổ phiếu hãng dầu lửa Chevron giảm 1,6% do giá dầu giảm gần 5%.
Dù đợt tăng bắt đầu từ đầu tháng đang có dấu hiệu chững lại, thị trường vẫn đang tiến tới hoàn tất một tuần tăng điểm nữa. Cả Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều đã tăng khoảng 2% trong tuần này.
Động lực tăng điểm chính của chứng khoán Mỹ tuần này là hai báo cáo lạm phát cho thấy tốc độ tăng giá ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục giảm xuống.
Số liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 10 giảm 0,5% so với tháng trước, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Trước đó, dữ liệu công bố hôm thứ Ba cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đi ngang so với tháng trước - một dấu hiệu tích cực nữa để nhà đầu tư hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có thể dừng hẳn việc tăng lãi suất và đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
“Các số liệu kinh tế tính đến thời điểm này xác nhận một điều rằng chúng ta đang ở trong xu hướng giảm tốc nhẹ, theo hướng lạm phát thấp hơn mà không có bằng chứng nào về một cú sụt nghiêm trọng của tăng trưởng kinh tế. Đây là một ‘trạng thái vàng’ mà ở đó lạm phát giảm tốc nhưng không giảm sốc”, chiến lược gia Tom Hainlin của US Bank Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.
Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều đã tăng mạnh trong tháng 11 này, với S&P 500 tăng hơn 7% từ đầu tháng, Dow Jones tăng 5,7%; và Nasdaq tăng 9,8%.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 3,67 USD/thùng, tương đương giảm 4,9%, chốt ở mức 72,9 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 3,76 USD/thùng, tương đương giảm 4,63%, chốt ở 77,42 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của mỗi loại dầu kể từ đầu tháng 7 và là phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp của dầu thô sau khi số liệu từ Mỹ cho thấy lượng tồn kho tăng mạnh. Hôm thứ Tư, báo cáo thường kỳ từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng 3,6 triệu thùng trong tuần trước, trong khi sản lượng khai thác dầu giữ ở mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày.
Nguồn cung dầu của Mỹ đang lớn nhưng triển vọng tăng trưởng kinh tế nước này đang có chiều hướng suy giảm. Số liệu gần đây cho thấy sản lượng công nghiệp của Mỹ giảm 0,6% trong tháng 10 do cuộc đình công của công nhân ô tô ảnh hưởng đến sản lượng xe.
Chuyên gia Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhấn mạnh rằng sản lượng công nghiệp suy yếu kết hợp với sự gia tăng của nguồn cung dầu đang củng cố mối lo về sự suy giảm của nhu cầu tiêu thụ dầu. Ông Flynn cho rằng giá dầu đang khó tìm được lực hỗ trợ vì các nhà đầu cơ giá xuống đang kiểm soát thị trường.
Ở Trung Quốc, lượng dầu thô mà các nhà máy lọc dầu lấy làm đầu vào trong tháng 10 giảm 2,8%, còn 15,1 triệu thùng/ngày, từ mức cao kỷ lục trong tháng 9 - theo số liệu thống kê chính thức. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu chậm lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Về phần mình, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cho rằng hoạt động đầu cơ là nguyên nhân khiến giá dầu sụt giảm gần đây, rằng thị trường đang nói quá lên về tâm trạng bi quan.
Theo OPEC, Trung Quốc vẫn đang nhập khẩu mạnh dầu thô, với lượng nhập tăng lên mức 11,4 triệu thùng/ngày trong tháng 10 vừa qua. OPEC cũng nhấn mạnh việc kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong quý 3 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 5,4% trong năm nay - cao hơn mục tiêu 5% mà Chính phủ nước này đề ra.
“Các yếu tố nền tảng của thị trường dầu đều đang mạnh, nhưng giá dầu đã trong xu hướng giảm mấy tuần gần đây chủ yếu do các nhà đầu cơ trên thị trường tài chính”, báo cáo hàng tháng của OPEC có đoạn viết.
Theo chuyên gia Flynn, các quỹ phòng hộ đang mạnh tay bán khống dầu trên thị trường tương lai và đang khiến giá dầu trượt dốc. “Thị trường đang giống như một cuộc đấu của tiền, thay vì một cuộc đấu của các yếu tố nền tảng”, ông nói.
Trong bối cảnh như vậy, phản ứng của OPEC trong cuộc họp sản lượng của khối vào ngày 26/11 sẽ có ý nghĩa quan trọng. “OPEC đang tin rằng giới đầu cơ đang chi phối thị trường, bởi vậy hãy chờ xem họ có biện pháp gì để chặn tình trạng trượt dốc của giá dầu hay không”, ông Flynn phát biểu.