Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 65,38 điểm, tương đương giảm 0,19%, còn 35.228,81 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,63%, 4.602,45 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 1,21%, còn 14.442,28 điểm.
Với phiên giảm này, Dow Jones và S&P 500 cùng đứt chuỗi 4 phiên tăng liên tục trước đó.
Phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư là sự leo thang của giá dầu. Đức cảnh báo về khả năng phải thực hiện chính sách chia khẩu phần khí đốt do tranh chấp với Nga. Cùng với đó, dữ liệu từ Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu thô sụt giảm.
“Thị trường đang giằng co giữa tin tốt và tin xấu. Mức độ biến động vì thế tăng lên”, Giám đốc đầu tư George Matyeko của Key Private Bank nhận xét.
Giá dầu tăng có lợi cho cổ phiếu năng lượng, đưa nhóm này trở thành nhóm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500 trong phiên ngày thứ Tư. Tuy nhiên, sự leo thang của giá năng lượng đẩy cao mối lo về nguy cơ xảy ra tình trạng “stagflation” – tăng trưởng trì trệ kết hợp với lạm phát leo thang.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,9%, chốt phiên ở 113,35 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 3,58 USD/thùng, tương đương tăng 3,4%, chốt ở 107,82 USD/thùng.
Khả năng phương Tây áp các biện pháp trừng phạt mới lên Nga khiến thị trường một lần nữa lo lắng về sự thiếu hụt nguồn cung dầu.
Bổ sung cho nỗi lo này là báo cáo hàng tuần của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này giảm 3,4 triệu thùng trong tuần trước, một mức giảm lớn hơn dự kiến. Lượng dầu dự trữ thương mại của Mỹ còn 410 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2018.
Bên cạnh đó, dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) của Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2002. Sản lượng khai thác dầu thô của nước này đã đi ngang suốt 7 tuần trước khi tăng nhẹ 100.000 thùng/ngày trong tuần vừa rồi, đạt 11,7 triệu thùng/ngày.
Tiến trình đàm phán Nga-Ukraine lại đang bị hoài nghi. Nga vẫn tiếp tục các cuộc tấn công ở Ukraine, dù vào hôm thứ Ba đã cam kết sẽ giảm hoạt động quân sự xung quanh Kiev. Mỹ và các nước đồng minh đang lên kế hoạch cho các biện pháp trừng phạt mới, nhằm vào thêm nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Nga, bao gồm chuỗi cung ứng quân sự.
“Chúng ta sẽ chứng kiến thêm 1 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày bị gián đoạn, nếu mối quan hệ giữa Nga với châu Âu tiếp tục xấu đi là một lệnh cấm vận dầu lửa được đưa ra. Nhưng chúng tôi cho rằng khả năng này là thấp”, công ty tư vấn JBC Energy nhận định.
Điện Kremlin phát tín hiệu rằng tất cả xuất khẩu năng lượng và hàng hoá cơ bản khác của Nga có thể được định giá bằng đồng Rúp. Đây có thể là cách để Moscow khiến phương Tây phải chịu ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt áp lên Nga.
Đối mặt với khả năng bị Nga cắt cung cấp khí đốt, Đức đã triển khai kế hoạch khẩn cấp cho việc quản lý nguồn cung khí đốt. Các nước châu Âu khác cũng đưa ra các biện pháp tiết kiệm khí đốt.
Trong cuộc họp sản lượng vào ngày 31/3, nhóm OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga, có thể giữ nguyên mức tăng sản lượng khai thác 432.000 thùng dầu mỗi ngày – giới thạo tin cho hay.
Tuy nhiên, sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc đang gây áp lực giảm giá dầu. Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang áp phong toả ở nhiều địa phương, bao gồm trung tâm tài chính Thượng Hải, để chống đợt bùng dịch Covid-19 do biến chủng Omicron.
Phiên ngày thứ Năm sẽ là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 cũng như của quý 1/2021. Sau nhiều biến động, chứng khoán Mỹ vẫn có một tháng tăng điểm, nhưng tiến tới hoàn tất một quý giảm.
S&P 500 và Nasdaq tăng khoảng 5% mỗi chỉ số trong tháng 3 này, còn Dow Jones tăng gần 4%. Tính từ đầu năm, Dow Jones và S&P 500 giảm khoảng 3% mỗi chỉ số, Nasdaq giảm hơn 7%.