November 30, 2021 | 07:52 GMT+7

Chứng khoán Mỹ, giá dầu, Bitcoin phục hồi sau khi ông Biden tuyên bố không cần phong toả

Bình Minh -

“Nếu mọi người tiêm vaccine và đeo khẩu trang, thì không cần phong toả”, ông Biden nói tại một cuộc họp báo...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (29/11), sau phiên bán tháo vào hôm thứ Sáu tuần trước, nhờ tuyên bố của Tổng thống Joe Biden rằng ở thời điểm hiện tại Washington chưa tính đến việc áp lệnh phong toả để chống lại biến chủng Omicron. Sắc xanh cũng ngự trị bảng giá dầu thô và Bitcoin trong phiên đầu tuần.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,68%, đạt 35.135,94 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,32%, đạt 4.655,27 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,88%, đạt 15.782,83 điểm.

“Nếu mọi người tiêm vaccine và đeo khẩu trang, thì không cần phong toả”, ông Biden nói tại một cuộc họp báo. Ông cũng nói không cần phải đưa ra các hạn chế mới về đi lại.

Phiên ngày thứ Sáu, Dow Jones giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020, với mức giảm 2,5%. S&P 500 sụt 2,3%, và Nasdaq trượt 2,2%.

“Vẫn đang có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời về biến chủng Omicron. Tuy nhiên, sau những gì đã xảy ra vào hôm thứ Sáu, thì phiên phục hồi hôm nay là một dấu hiệu khả quan”, chuyên gia Ryan Detrick của LPL Financial phát biểu. “Chúng ta cũng đã từng chứng kiến những biến chủng khác gây lo ngại, nhưng sau một thời gian, mọi thứ bắt đầu dịu đi và thị trường lại đi lên. Chúng tôi lạc quan rằng điều này rồi sẽ lặp lại”.

Dẫn đầu phiên tăng này là những cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn – những cái tên bị bán mạnh nhất trong phiên ngày thứ Sáu. Tesla tăng 5,1%; Microsoft tăng 2,1%; Amazon tăng 1,6%; và Apple tăng 2,2%. Tuy nhiên, cổ phiếu Twitter giảm 2,7% sau khi có tin CEO Jack Dorsey rời cương vị này và được thay thế bởi Giám đốc công nghệ (CTO) Parag Agrawal.

Các cổ phiếu liên quan đến đi lại tăng điểm nhẹ khi kết thúc phiên giao dịch đầy biến động. United Airlines tăng 0,7%; Royal Caribbean tăng 2,8%; và TJX Companies tăng 1,9%.

“Chúng tôi sẽ mua mạnh cổ phiếu sau phiên giảm vừa rồi”, nhà quản lý quỹ Tom Lee của Fundstrat viết trong một báo cáo gửi khách hàng vào cuối tuần. “Khi biến chủng Beta và Delta mới xuất hiện, phản ứng lúc đầu cũng quá mạnh so với hiện thực. Chúng tôi cho rằng biến động này của thị trường chỉ là tạm thời”.

Với quan điểm lạc quan tương tự, nhà quản lý quỹ Bill Ackman của Pershing Square Capital Management nhận định hôm Chủ nhật: “Còn quá sớm để có những dữ liệu cụ thể, nhưng dữ liệu ban đaầu cho thấy biến chủng Omicron gây các triệu trứng từ nhẹ đến vừa và có khả năng lây nhiễm cao hơn. Nếu đây là thật, thì không phải là một vấn đề tiêu cực đối với thị trường.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng trở lại mức 1,5% trong phiên đầu tuần, sau khi giảm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu. Một số cổ phiếu ngân hàng nhờ đó tăng theo.

Một cổ phiếu tiếp tục xu hướng của phiên ngày thứ Sáu là hãng vaccine Moderna. Cổ phiếu Moderna tăng 11,8% trong phiên ngày thứ Hai, sau khi tăng 20% trong phiên trước. Hôm Chủ nhật, CEO Paul Burton của Moderna nói hãng này có thể đưa ra một vaccine được điều chỉnh để chống lại biến chủng Omicron vào đầu năm tới.

Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,8 USD/thùng, tương đương tăng 2,6%, chốt ở 69,95 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,99%, chốt ở 73,44 USD/thùng.

Trong phiên ngày thứ Sáu, giá dầu WTI sụt 13%, mạnh nhất kể từ tháng 4/2020, còn giá dầu WTI giảm 11,55%. Tuần trước là tuần giảm thứ 5 liên tiếp của cả hai loại dầu.

Phiên phục hồi này diễn ra khi nhà đầu tư tin rằng giá dầu đã giảm quá mạnh so với tác động mà biến chủng Omicron có thể gây ra cho nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. “Giá dầu đã giảm quá sâu trong phiên ngày thứ Sáu”, một báo cáo của Commerzbank nhận định. “Đúng là biến chủng Omicron đang gây lo ngại về nhu cầu, nhưng ở thời điểm hiện tại, chưa thể đưa ra một con số nghiêm trọng nào về tác động của biến chủng này”.

Giá dầu WTI mới đạt đỉnh 7 năm ở mức trên 85 USD/thùng hồi tháng 10. Cũng trong tháng trước, giá dầu Brent đạt mức cao nhất 3 năm. Sau đó, mối lo về nhu cầu do làn sóng Covid ở khu vực châu Âu, cùng những đồn đoán về việc Mỹ xả dự trữ chiến lược, đã kéo giá dầu tụt khỏi đỉnh.

Tuần trước, Mỹ tuyên bố cùng một loạt quốc gia phối hợp xả dự trữ dầu lửa để hạ nhiệt giá dầu, trong đó Mỹ sẽ xả 50 triệu thùng. Dự kiến, tổng số lượng dầu khoảng 70-80 triệu thùng trong đợt xả này sẽ được đưa ra thị trường trong thời gian từ giữa đến cuối tháng 12.

Vào ngày thứ Năm tuần này, liên minh OPEC+ giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh sẽ tiến hành họp định kỳ về chính sách sản lượng. Giới phân tích ở Phố Wall đang bất đồng về việc OPEC+ sẽ hành động ra sao.

“Với bấp bênh về biến chủng Omicron, chúng tôi cho rằng OPEC+ sẽ không tăng sản lượng và giữ nguyên hạn ngạch”, Morgan Stanley nói trong một báo cáo.

Trong khi đó, Citigroup dự báo OPEC+ sẽ “giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng”.

Giá tiền ảo Bitcoin tiếp tục phục hồi sau phiên bán mạnh hôm thứ Sáu, lên gần 58.000 USD. Lúc hơn 7h sáng nay (30/11), giá Bitcoin theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com đứng ở mức hơn 58.800 USD, tăng 0,2% so với cách đó 24 tiếng.

Trong phiên ngày thứ Sáu, giá Bitcoin rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) khi tụt về ngưỡng 54.000 USD, giảm hơn 20% so với mức đỉnh mọi thời đại trên 69.000 USD thiết lập cách đây ít lâu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate