September 11, 2021 | 08:30 GMT+7

Chứng khoán Mỹ giảm liền 5 phiên, giá dầu bật tăng nhờ điện đàm Mỹ-Trung

Bình Minh -

Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (10/9) do mối lo của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giá dầu tăng mạnh, tiếp nối xu hướng giằng co trong tuần, nhờ cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm gần 0,8%, còn 34.607,72 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt xấp xỉ 0,8%, còn 4.458,58 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,9%, còn 15.115,49 điểm.

Sụt 3,3%, Apple là cổ phiếu gây áp lực giảm lớn nhất lên Dow Jones phiên này. Theo một phán quyết của toà án đưa ra ngày 10/9, “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ không còn có thể bắt buộc các nhà phát triển mua in-app (in-app purchase, một chức năng được Apple trang bị sẵn trên các ứng dụng và tựa game trên những nền tảng mà hãng sở hữu). Đây là kết quả của cuộc đấu pháp lý được theo dõi sát sao giữa Apple và Epic Games.

Chứng khoán Mỹ đã giảm liên tục từ khi đón nhận bản báo cáo việc làm tháng 8 ảm đạm vào hôm thứ Sáu tuần trước. Tính cả tuần, Dow Jones sụt 2,2%, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp. S&P 500 giảm 1,7%. Nasdaq mất 1,6% điểm số.

Giới đầu tư đang lo ngại về số ca nhiễm mới Covid-19 không ngừng tăng lên ở Mỹ, cho rằng sự bùng dịch có thể khiến nền kinh tế giảm tốc trong khi lạm phát đang cao có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải bắt đầu giảm bớt sự nới lỏng. Cuộc họp sắp tới của Fed sẽ diễn ra vào ngày 21-22/9.

“Đây thực sự là một tuần mà biến chủng Delta chi phối chứng khoán Mỹ. Nhà đầu tư đang ‘run tay’ khi nghĩ đến tăng trưởng và cả lạm phát”. Nhà sáng lập Jack Ablin của Cresset Capital Management nói với hãng tin Reuters.

Số liệu công bố ngày thứ Sáu cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 8 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ 2010. So với tháng 7, chỉ số tăng 0,7%, vượt dự báo của giới phân tích. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, một thước đo lạm phát quan trọng hơn, sẽ công bố vào thứ Ba tuần tới.

Ông Biden đã trở nên cứng rắn hơn trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng của Mỹ nhằm chống lại biến chủng Delta. Hôm thứ Năm, ông công bố quy định mới đưa tiêm chủng ngừa Covid trở thành bắt buộc đối với khoảng 100 triệu người Mỹ. Theo đó, công chức liên bang bắt buộc phải tiêm, và các chủ sử dụng lao động với hơn 100 nhân công phải yêu cầu người lao động tiêm vaccine hoặc phải xét nghiệm hàng tuần.

“Cuối cùng, chứng khoán Mỹ sẽ kết thúc tháng 9 trong trạng thái tích cực. Biến chủng Delta có vẻ đang chậm dần lại. Kế hoạch của Nhà Trắng thực sự sẽ giúp kiểm soát được Covid-19”, nhà phân tích Tom Lee của Fundstrat nhận định.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London chốt phiên ngày thứ Sáu với mức tăng 1,47 USD/thùng, tương đương tăng 2%, đạt 72,92 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,58 USD/thùng, tương đương tăng hơn 2,3%, đạt 69,72 USD/thùng.

Giá dầu tăng nhờ những dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu bị thắt chặt ở Mỹ sau bão Ida và lạc quan về quan hệ thương mại Mỹ-Trung.

Do bão Ida, sản lượng khai thác dầu trên Vịnh Mexico của Mỹ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Só liệu tuần này cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất từ tháng 9/2019.

Ngày thứ Sáu, ông Biden và ông Tập có cuộc điện đàm thứ hai kể từ tháng 2 năm nay, làm dấy lên hy vọng về mối quan hệ ấm áp hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo đó thúc đẩy giá những tài sản rủi ro như dầu.

“Cuộc gọi Mỹ-Trung đã có ảnh hưởng tích cực đối với giá dầu”, nhà phân tích Jeffrey Halley thuộc Oanda nhận định.

Giá dầu đã giằng co mạnh trong tuần này do tác động trái chiều giữa nguồn cung hạn hẹp và mối lo về biến chủng Delta. Trước phiên tăng ngày thứ Sáu, giá dầu sụt giảm trong phiên ngày thứ năm.

Sau tuần tăng nhẹ này, giá dầu Brent đã tăng khoảng 40% từ đầu năm đến nay nhờ nỗ lực hạn chế sản lượng của liên minh OPEC+ và sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Tuần tới, tâm điểm chú ý của giới đầu tư sẽ là báo cáo triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu năm 2022 từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Thị trường muốn xem các tổ chức này đánh giá thế nào về nhu cầu dầu của thế giới trong năm tới trong bối cảnh biến chủng Delta lây mạnh ở nhiều quốc gia.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate