Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (24/7), với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2022, do nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu sau kết quả kinh doanh gây thất vọng của hai Big Tech. Giá dầu thô tăng trở lại từ mức đáy của 6 tuần, sau khi số liệu thống kê cho thấy lượng xăng dầu tồn trữ của Mỹ bất ngờ giảm.
Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 2,31%, còn 5.427,13 điểm. Nasdaq mất 3,64%, còn 17.342,41 điểm. Chỉ số Dow Jones sụt 504,22 điểm, tương đương giảm 1,25%, còn 39.853,87 điểm.
Cổ phiếu Alphabet - công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google - giảm 5%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ cú giảm 7,5% hôm 31/1. Cả doanh thu và lợi nhuận quý 2 của Alphabet đều tốt hơn kỳ vọng, nhưng nhà đầu tư vẫn xả mạnh mã này khi biết doanh thu quảng cáo của trang video YouTube thấp hơn mức dự báo đồng thuận của thị trường.
Cổ phiếu Tesla giảm 12,3%, phiên bán tháo sâu nhất của mã này kể từ năm 2020, do kết quả kinh doanh yếu hơn kỳ vọng, bao gồm doanh thu từ mảng ô tô giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác “vạ lây” Alphabet và Tesla. Nvidia và Meta Platforms chốt phiên với mức giảm tương ứng 6,8% và 5,6%, trong khi Microsoft giảm 3,6%.
Báo cáo tài chính của Alphabet và Tesla mang tới cho nhà đầu tư cái nhìn đầu tiên về kết quả kinh doanh của các Big Tech trong quý 2 năm nay. Các báo này và kết quả đến từ các “ông lớn” công nghệ khác thu hút mối quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư, bởi các công ty công nghệ vốn hóa lớn đã giữ vai trò dẫn dắt xu hướng tăng của thị trường từ đầu năm tới nay.
Phiên bán tháo ngày thứ Tư là hệ quả của một “cơn bão hoàn hảo” của các yếu tố gồm thị trường đã mua quá nhiều (overbought), kỳ vọng lớn hơn về lợi nhuận, và yếu tố thời điểm vốn thường là giai đoạn ảm đạm của thị trường. Đó là lý do vì sao nhà đầu tư không hoàn toàn bất ngờ với phiên giảm này - theo chiến lược gia Ross Mayfield của ngân hàng đầu tư Baird.
“Chúng tôi xem phiên bán tháo này thực ra là tất yếu, vì diễn ra trong một bối cảnh thị trường đầu cơ giá lên đã kéo dài. Một sự điều chỉnh lành mạnh trong một thị trường như vậy sẽ được xem là cơ hội, thay vì là lúc để phòng thủ hay tìm cách bảo vệ tiền vốn khỏi biến động”, ông Mayfield nói với hãng tin CNBC.
Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hóa nhỏ đóng cửa với mức giảm 2,1%. Tuy nhiên, từ đầu tháng tới nay, chỉ số đã tăng 7,2% khi nhà đầu tư dịch chuyển khỏi các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn để mua vào các cổ phiếu nhỏ và cổ phiếu có tính chu kỳ cao hơn - như các cổ phiếu blue-chip thuộc Dow Jones - trên cơ sở hy vọng rằng những cổ phiếu này sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Nếu tính từ đầu tháng, Dow Jones đã tăng 1,9%; S&P 500 giảm 0,6% và Nasdaq giảm 2,2%.
Dù báo cáo tài chính của các Big Tech gây thất vọng, mùa báo cáo tài chính này ở Phố Wall đang có một sự khởi đầu không tệ. Trong số hơn 25% công ty thành viên S&P 500 đã báo cáo tính đến thời điểm này, khoảng 80% đưa ra kết quả tốt hơn kỳ vọng - theo dữ liệu từ FactSet.
Các số liệu kinh tế công bố ngày thứ Tư cho thấy sự suy yêu của kinh tế Mỹ. Trong đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chớp nhoáng của lĩnh vực sản xuất giảm xuống mức 49,5 điểm trong tháng 7. Ngưỡng điểm dưới 50 của chỉ số PMI phản ánh sự suy giảm hoạt động. Trước đó, giới phân tích dự báo mức điểm 51,5.
Ngoài ra, một báo cáo khác cho thấy doanh số bán nhà mới ở Mỹ trong tháng 6 cũng giảm.
Những số liệu này có thể dẫn tới mối lo ngại về sức khỏe kinh tế Mỹ, nhưng cũng đồng thời gia tăng khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng gần 90% Fed bắt đầu nới lỏng trong cuộc họp tháng 9. Cuộc họp tới của Fed sẽ diễn ra vào ngày 31/7, với khả năng cao lãi suất sẽ được giữ nguyên ở mức 5,25-5,5%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,7 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, chốt ở mức 81,87 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,63 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở mức 77,59 USD/thùng.
Trước phiên tăng này, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần trong phiên ngày thứ Ba do triển vọng sắp có một thỏa thuận ngừng bắn cho dải Gaza và do mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Động lực cho giá dầu hồi phục trong phiên ngày thứ Tư là số liệu hàng tuần của Mỹ cho thấy lượng xăng dầu tồn trữ giảm. Theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô tồn trữ thương mại của nước này giảm 3,7 triệu thùng trong tuần trước, sâu hơn mức giảm 1,6 triệu thùng mà giới chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Tồn trữ xăng giảm 5,6 triệu thùng, thay vì giảm 0,4 triệu thùng như dự báo. Tồn trữ các sản phẩm chưng cất gồm dầu diesel và dầu hỏa giảm 2,8 triệu thùng, thay vì tăng 0,25 triệu thùng như dự báo.
“Nhu cầu dầu đang tốt hơn kỳ vọng”, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng giao sau của ngân hàng Mizuho ở New York, ông Bob Yawger, nhận xét.
Tuy nhiên, giới đầu tư trên thị trường dầu vẫn đang lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu của Trung Quốc - nơi nền kinh tế đang giảm tốc. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Trước phiên hồi phục này, giá dầu WTI đã sụt 7% trong 3 phiên giảm liên tiếp, còn giá dầu Brent giảm gần 5%.