Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (18/1), khi nhà đầu tư đón nhận một số dữ liệu thổi bùng lên mối lo suy thoái kinh tế Mỹ. Những con số này cũng là nguyên nhân khiến giá dầu sụt hơn 1%, bất chấp lạc quan đến từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 1,56%, đánh dấu phiên tệ nhất kể từ ngày 15/12, còn 3.928,86 điểm.
Chỉ số Dow Jones giảm hơn 613 điểm, tương đương giảm 1,81%, còn 33.296,96 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 1,24%, còn 10.957,01 điểm - đứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp.
Gây áp lực giảm nhiều nhất trong phiên này là nhóm ngân hàng, khi cổ phiếu của một loạt nhà băng lớn gồm JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo đồng loạt trượt dốc.
Số liệu thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ không đạt kỳ vọng và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) yếu hơn dự báo đã một lần nữa thổi bùng mối lo suy thoái kinh tế. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9.
Thời gian qua, mỗi khi đón nhận tin xấu về kinh tế, chứng khoán Mỹ thường tăng điểm vì số liệu kinh tế xấu là cơ sở để nhà đầu tư củng cố niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn. Nhưng trong phiên này, mối lo suy thoái kinh tế đã lấn át kỳ vọng về chính sách của Fed, khiến các chỉ số đồng loạt giảm mạnh.
“Các số liệu kinh tế tiếp tục khẳng định sự giảm mạnh của lạm phát. Vấn đề đặt ra lúc này là liệu nền kinh tế có trụ nổi với những đợt tăng lãi suất mạnh tay để chống lạm phát”, nhà quản lý đầu tư Jamie Cox của Harris Financial Group nhận định. Ông Cox nói thêm rằng những người cho rằng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời có thể đang thấy là họ đúng, nhưng tổn thất của việc chống lạm phát đối với nền kinh tế còn chưa được thể hiện hết.
“Ít nhất cũng có một cuộc suy thoái lợi nhuận, và mối lo đó sẽ khiến cho giá cổ phiếu khó tăng cho tới khi mọi chuyện rõ ràng”, nhà quản lý đầu tư nhận định.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,94 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 84,98 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,7 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 79,48 USD/thùng.
Với phiên giảm này, WTI chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp trước đó.
Ngoài dữ liệu ảm đạm về kinh tế Mỹ, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ phát biểu cứng rắn của một số quan chức Fed rằng ngân hàng trung ương này có thể không sớm dừng việc tăng lãi suất. Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester nói lãi suất cần tăng vượt 5% để kiểm soát lạm phát.
Hãng phần mềm khổng lồ Microsoft cho biết sẽ cắt giảm 10.000 công việc và bút toán giảm giá trị tài sản 1,2 tỷ USD do các khách hàng của hãng trong lĩnh vực điện toán đám mây tiến hành đánh giá lại chi tiêu và hãng đang chuẩn bị cho khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái.
“Doanh thu bán lẻ yếu, sản lượng công nghiệp giảm mạnh, và những vụ sa thải hàng loạt đang làm gia tăng mối lo rằng kinh tế Mỹ đã suy thoái rồi”, một báo cáo của ngân hàng ING nhận định.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn được hỗ trợ bởi một số dữ liệu kinh tế Trung Quốc tốt hơn dự báo sau khi nước này rút lại chính sách Zero Covid. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc Trung Quốc dỡ Zero Covid sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong năm nay, trong khi việc áp trần giá lên dầu Nga có thể gây suy giảm nguồn cung.
Tuy nhiên, công ty tư vấn Rystad Energy nói rằng sau 1 tháng rưỡi châu Âu và nhóm G7 áp lệnh cấm vận và trần giá lên dầu thô Nga, ảnh hưởng đã không tệ như dự báo trước đó. Theo Rystad, mức thiệt hại nguồn cung dầu thô Nga chỉ khoảng 500.000 thùng/ngày, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc vẫn là những khách mua chủ chốt của dầu Nga.