September 28, 2023 | 08:12 GMT+7

Chứng khoán Mỹ giằng co trong lúc đợi báo cáo lạm phát, giá dầu tăng vọt 3%

Bình Minh -

Nhà đầu tư một mặt cân nhắc đã đến lúc mua vào hay chưa sau đợt bán tháo gần đây, mặt khác vẫn còn lo lắng về đà tăng của lợi suất trái phiếu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư (27/9) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi nhà đầu tư vừa lo ngại vì xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vừa thận trọng trước báo cáo lạm phát sắp công bố. Giá dầu thô tăng mạnh sau khi số liệu thống kê tuần cho thấy lượng tồn kho của Mỹ giảm mạnh, một dấu hiệu cho thấy sự thắt chặt nguồn cung.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 68,61 điểm, tương đương giảm 0,2%, còn 33.550,27 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 0,02%, chốt ở 4.274,51 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,22%, đạt 13.092,85 điểm.

Cả ba chỉ số đã giằng co giữa giảm và tăng trong suốt thời gian của phiên giao dịch. Nhà đầu tư một mặt cân nhắc đã đến lúc mua vào hay chưa sau đợt bán tháo gần đây, mặt khác vẫn còn lo lắng về đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tình trạng bấp bênh của triển vọng lãi suất trong thời gian tới.

Phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên gần 4,61%, mức đỉnh mới kể từ năm 2007. Những ngày gần đây, lợi suất liên tục lập đỉnh do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát. Tín hiệu cứng rắn này đã được Fed đưa ra trong cuộc họp chính sách tiền tệ cách đây hơn 1 tuần.

Ngày thứ Sáu sẽ là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9 và của quý 3 – khoảng thời gian nhiều khó khăn đối với các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall. Tính đến hết phiên ngày thứ Tư, Dow Jones đã giảm 3,4% trong tháng và giảm 2,5% trong quý. S&P 500 giảm tương ứng 5,2% và 4%; còn Nasdaq giảm 6,7% và 5%.

Phiên ngày thứ Năm sẽ có nhiều báo cáo kinh tế Mỹ được công bố, bao gồm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, doanh số bán nhà và báo cáo GDP điều chỉnh của quý 2. Tuy nhiên, số liệu kinh tế quan trọng nhất trong tuần này là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu.

“Thị trường chứng khoán cần được giải toả nỗi lo về lãi suất mới có thể phục hồi được. Và để nỗi lo đó được giải toả, Fed cần dịch chuyển khỏi lập trường cứng rắn. PCE và các dữ liệu lạm phát sẽ là cơ sở quan trọng cho cân nhắc đó của Fed”, nhà phân tích Ross Mayfield của công ty Baird nhận định với hãng tin CNBC.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn đang dõi theo các diễn biến về cuộc đàm phán ngân sách ở Washington. Nếu các nghị sỹ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hoà không thông qua được một kế hoạch gia hạn ngân sách trước ngày 30/9, Chính phủ Mỹ có thể rơi vào tình trạng đóng cửa khi bắt đầu năm tài khoá mới vào ngày 1/10.

Đến nay, S&P 500 đã để mất phần lớn thành quả tăng có được từ đầu năm, chủ yếu do sự cứng rắn của Fed. “Đến một thời điểm nào đó trong quý 4, nhà đầu tư sẽ bắt đầu mua cổ phiếu. Đợt bán tháo của quý 3 có vẻ đã gần xong rồi”, chủ tịch Peter Tuz của Chase Investment Counsel nhận định với hãng tin Reuters.

So với thời điểm đầu năm, S&P 500 hiện tăng 11%, sau khi giảm khoảng 7% kể từ cuối tháng 7 đến nay.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, năng lượng là nhóm tăng mạnh nhất trong phiên ngày thứ Tư, với mức tăng 2,5%, khi giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc vượt mốc 97 USD/thùng.

Giá dầu Brent chốt phiên tăng 2,59 USD/thùng, tương đương tăng 2,8%, đạt 96,55 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,29 USD/thùng, tương đương tăng 3,6%, chốt ở 93,68 USD/thùng.

Giá “vàng đen” vẫn đang được thúc đẩy bởi mối lo nguồn cung dầu toàn cầu thắt chặt. Số liệu ngày 27/9 cho thấy nguồn cung dầu ở Mỹ giảm, củng cố mối lo này của giới đầu tư. Lượng dầu tồn kho ở Cushing, Oklahoma – một kho chứa dầu khổng lồ và là nơi giao hàng của các hợp đồng dầu tương lai ở Mỹ - giảm 943.000 thùng trong tuần này, còn dưới 22 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022.

Dù đương đầu với áp lực giảm từ nỗi lo lãi suất cao hơn và đà tăng của tỷ giá đồng USD, giá dầu đã thể hiện sức tăng bền vững sau khi Nga và Saudi Arabia gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng 1,3 triệu thùng dầu/ngày vào đầu tháng này.

“Cho tới khi một quyết định tăng sản lượng dầu được đưa ra, thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ còn thắt chặt”, chiến lược gia trưởng Ole Hansen của Saxo Bank nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate