August 22, 2023 | 07:37 GMT+7

Chứng khoán Mỹ hồi điểm, VFS tăng hơn 14%, giá dầu tiếp tục đuối sức

Bình Minh -

Mức tăng ấn tượng được ghi nhận ở nhiều cổ phiếu công nghệ và xe điện, trong đó có cổ phiếu VinFast...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (21/8), với chỉ số Nasdaq cắt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, bất chấp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đạt mức cao nhất 16 năm. Giá dầu thô giảm do nhiều nhà đầu tư không còn đặt hy vọng vào sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, Nasdaq tăng 1,6%, đạt 13.497,59 điểm. Đây là phiên tăng mạnh nhất của chỉ số này kể từ hôm 28/7 - phiên mà Nasdaq tăng 1,9%.

Chỉ số S&P 500, thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall tăng 0,69%, chốt ở 4.399,77 điểm.

Riêng chỉ số Dow Jones giảm phiên này, mất 0,11%, còn 34.463,69 điểm.

Mức tăng ấn tượng được ghi nhận ở nhiều cổ phiếu công nghệ và xe điện, trong đó có cổ phiếu hãng xe điện VinFast của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng.

Cổ phiếu công ty công nghệ Palo Alto Networks tăng 14,5% nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo. Cổ phiếu hãng chip Nvidia tăng 8,3% trước khi công ty dự kiến công bố báo cáo tài chính vào ngày thứ Tư tuần này. Cổ phiếu Tesla và Meta tăng tương ứng 7% và 2,4%.

Chung xu hướng tăng của Nasdaq, cổ phiếu VinFast tăng gần 14,2%, đóng cửa ở mức 17,58 USD/cổ phiếu. Phiên tăng này chấm dứt chuỗi ba phiên giảm liên tiếp trước đó của mã VFS.

Nhóm cổ phiếu công nghệ trong S&P 500 tăng 2,26%, trở thành trụ cột cho toàn bộ chỉ số trong phiên này.

Phiên tăng đầu tuần của chứng khoán Mỹ diễn ra bất chấp áp lực giảm từ xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm lập đỉnh của phiên ở mức 4,34%, cao nhất kể từ tháng 11/2007. Lợi suất tăng khi giá trái phiếu giảm, phản ánh kỳ vọng lãi suất cao và thường là một nhân tố bất lợi đối với cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác, vì làm suy giảm giá trị của lợi nhuận mà các cổ phiếu này hứa hẹn mang lại trong tương lai.

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong tuần trước, với S&P 500 và Nasdaq có tuần giảm thứ ba liên tiếp của mỗi chỉ số, trong khi Dow Jones ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.

“Xung lực tăng của thị trường đang mạnh lên khi bước sang tuần mới. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn tiếp tục tăng, nhưng động lực tích cực cho thị trường đã xuất hiện. Dù vậy, tôi cho rằng lợi suất trái phiếu sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường trong tuần này”, trưởng chiến lược kinh tế và thị trường của công ty ClearBridge Investments, ông Jeff Schulze, nói với hãng tin CNBC.

Giám đốc đầu tư David Bianco của công ty DWS Group Americas có cái nhìn kém lạc quan về triển vọng thị trường.

“Tôi cho rằng sự giảm điểm của thị trường trong tuần trước mới là khởi đầu của những gì sắp đến. Thị trường trái phiếu đang mở ra một lựa chọ thay thế thực sự hấp dẫn cho nhà đầu tư, trừ phi có ai đó tin rằng S&P 500 sẽ chuyển từ tình trạng không có tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 2 năm qua thành tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ”, ông Bianco nói với CNBC.

Tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall là bài phát biểu vào buổi sáng ngày thứ Sáu theo giờ Mỹ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, Wyoming.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,34 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, còn 84,46 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,53 USD/thùng, tương đương giảm 0,65%, còn 80,72 USD/thùng.

Sức ép giảm giá đối vớ dầu thô đến từ việc thị trường mất dần hy vọng vào sự phục hồi kinh tế và triển vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc. Trong phiên, có lúc giá dầu tăng khoảng 1 USD/thùng mỗi loại, nhưng càng về cuối phiên, giá dầu càng đuối.

“Có vẻ như sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ không được như kỳ vọng. Tôi nghi ngờ việc Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều dầu. Họ đã mua nhiều dầu dể dự trữ trong năm nay rồi. Bây giờ họ đã có sẵn nhiều dầu rồi”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital nói với hãng tin Reuters.

Giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga, tức liên minh OPEC+. Tháng này, Saudi Arabia tuyên bố sẽ giữ nguyên sản lượng dầu ở mức 9 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày, cho tới hết tháng 9.

“Hiện tại, thị trường dầu đang giằng co giữa việc Saudi Arabia giảm sản lượng và sự suy yếu của nhu cầu”, Giám đốc Robert Yawger của công ty Mizuho Securities USA nhận định.

Tuần trước, giá dầu Brent và WTI cùng giảm 2% mỗi loại, chấm dứt chuỗi 7 tuần tăng liên tiếp, vì lo ngại rằng sự phục hồi ì ạch của kinh tế Trung Quốc sẽ gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu. Khả năng Fed có thể tăng thêm lãi suất và không sớm giảm lãi suất cũng là nhân tố phủ bóng lên triển vọng nhu cầu dầu. Phiên giảm đầu tuần của giá dầu diễn ra bất chấp việc Trung Quốc giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của nước này từ Saudi Arabia giảm 31% trong tháng 6 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Nga - quốc gia bán dầu với giá rẻ hơn thị trường do lệnh trừng phạt của phương Tây - vẫn là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc.

“Thị trường dầu vẫn còn thắt chặt trong thời gian còn lại của năm nay, đồng nghĩa giá dầu vẫn còn dư địa để tăng”, trưởng nghiên cứu thị trường hàng hoá cơ bản của ngân hàng Hà Lan ING, ông Warren Patterson, nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate