February 05, 2025 | 07:37 GMT+7

Chứng khoán Mỹ hồi mạnh sau cú sốc thuế quan, giá dầu giằng co

Bình Minh -

Thị trường đã trải qua một phiên giao dịch đầy biến động, với kết thúc là sắc xanh rực rỡ, đảo ngược phiên bán tháo ngày hôm trước...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (4/2), khi nhà đầu tư tạm gác lại mối lo thuế quan và một số cổ phiếu công nghệ tăng giá mạnh nhờ kết quả kinh doanh khả quan. Giá dầu giằng co giữa giảm và tăng sau khi có tin Tổng thống Donald Trump sẽ gây áp lực tối đa đối với Iran.

Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq tăng 1,35%, đạt 19.654,02 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,72%, đạt 6.037,88 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 134,13 điểm, tương đương tăng 0,3%, đạt 44.556,04 điểm.

Cổ phiếu Plantir tăng bùng nổ với mức tăng 24% sau khi công ty phần mềm này công bố kết quả kinh doanh quý 4/2024 tốt hơn kỳ vọng của các nhà phân tích. Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn tăng theo Plantir trong phiên này, như Nvidia tăng 1,7%.

Về thuế quan, Chính phủ Trung Quốc ngày 4/2 đã áp thuế quan trả đũa lên hàng hóa Mỹ, gồm mức thuế 15% đối với than và khí đốt hóa lỏng (LNG) nhập từ Mỹ và mức thuế 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số loại ô tô, có hiệu lực từ ngày 10/2. Động thái này được đưa ra ngay sau khi thuế quan bổ sung 10% mà ông Trump áp lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Trước đó, ông Trump và lãnh đạo Canada và Mexico đã đạt thỏa thuận hoãn 1 tháng việc áp thuế quan của Mỹ lên hàng hóa của hai quốc gia này, đổi lấy việc hai nước ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ về vấn đề bảo vệ biên giới và chống tội phạm.

Thị trường đã trải qua một phiên giao dịch đầy biến động, với kết thúc là sắc xanh rực rỡ, đảo ngược phiên bán tháo ngày hôm trước - khi thị trường tài chính toàn cầu phản ứng mạnh với các diễn biến thuế quan.

Trao đổi với hãng tin CNBC, CEO Jay Hatfield của công ty Infrastructure Capital Advisors cho rằng nhà đầu tư đã “quá tiêu cực” về thuế quan và xu hướng tăng giá của đồng USD trong mấy tháng qua có thể bù lại một phần tác động bất lợi của thuế quan. Ông Hatfield dự báo chỉ số S&P 500 có thể đạt 7.000 điểm vào cuối năm nay, đồng nghĩa tăng khoảng 17% so với mức đóng cửa phiên ngày thứ Hai.

“Đây là thuế quan chính trị, không phải thuế quan kinh tế, nên sẽ không kéo dài lâu. Chúng tôi cho rằng rốt cục, thuế quan mới của Mỹ đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu sẽ dao động từ 5-10%, và đó là mức thuế chấp nhận được”, ông nói, cho rằng mức thuế như vậy cũng sẽ được áp dụng đối với hàng châu Âu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,24 USD/thùng, tương đương tăng 0,32%, đóng cửa ở mức 76,2 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,46 USD/thùng, tương đương giảm 0,63%, chốt ở mức 72,7 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch, có thời điểm giá dầu WTI giảm hơn 3%, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12, do lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Những phiên gần đây, vấn đề thuế quan tác động tới giá dầu theo hai chiều hướng. Một mặt, nhà đầu tư lo ngại thuế quan, nhất là thuế quan mà ông Trump định áp lên dầu thô và khí đốt nhập khẩu từ Canada và Mexico, có thể gây gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng từ hai nước này cho Mỹ. Nhưng mặt khác, thuế quan cũng dẫn tới mối lo về tác động tiêu cực đến nền kinh tế, từ đó có thể khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng yếu đi. Sự tác động không đồng nhất này khiến giá dầu giằng co, không rõ xu hướng.

Phiên ngày thứ Ba, giá dầu WTI thoát đáy sau khi một quan chức Mỹ cho biết ông Trump muốn gây “sức ép tối đa” đối với Iran, bằng cách khiến xuất khẩu dầu của nước này giảm về 0, nhằm buộc Tehran phải từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Vị này tiết lộ với hãng tin Reuters rằng ông Trump đã chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ tăng cường trừng phạt Iran và đẩy mạnh việc thực thi các biện pháp trừng phạt đã có.

“Lý do khiến giá dầu giảm là động thái trả đũa Mỹ của Trung Quốc, rồi giá dầu lại tăng là do Mỹ muốn gây sức ép tối đa đối với Iran”, nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group phát biểu.

Năm ngoái, xuất khẩu dầu thô của Iran tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm do nước này tìm cách lách các biện pháp trừng phạt.

Nhưng một số nhà phân tích nhận định căng thẳng thương mại tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu, dẫn tới áp lực giảm kéo dài đối với giá dầu.

“Các biện pháp ăn miếng trả miếng từ Trung Quốc có thể không dừng lại ở thuế quan 10% đối với dầu thô nhập khẩu từ Mỹ. Bắc Kinh có thể khiến đồng nhân dân tệ suy yếu một cách có chủ đích nếu Mỹ áp thêm thuế quan lên hàng Trung Quốc. Trong trường hợp như vậy, đồng USD có thể mạnh lên, tạo ra sức ép khiến giá dầu giảm, nhất là khi OPEC+ dự định sẽ nâng dần sản lượng khai thác dầu từ tháng 4”, nhà phân tích Kelvin Wong của công ty Oanda nhận định.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Năm 2024, nhập khẩu dầu thô từ Mỹ chiếm 1,7% tổng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc - theo dữ liệu hải quan của nước này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate