September 25, 2024 | 07:28 GMT+7

Chứng khoán Mỹ không ngừng lập kỷ lục, giá dầu tăng gần 2% nhờ tin Trung Quốc

Bình Minh -

Một động lực cho phiên tăng này của giá cổ phiếu ở Phố Wall là tin tức về gói kích cầu của Trung Quốc...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (24/9), thiết lập thêm những kỷ lục mới, nhờ cổ phiếu Nvidia tăng mạnh và bất chấp số liệu ảm đạm về kinh tế Mỹ. Giá dầu thô đạt mức cao nhất 3 tuần nhờ tin Trung Quốc kích cầu và mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông.

Kết thúc phiên, chỉ số S&P 500 tăng 0,25%, đạt 5.732,93 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 83,57 điểm, tương đương tăng 0,2%, đạt 42.208,22 điểm. Cả hai chỉ số cùng thiết lập kỷ lục nội phiên và kỷ lục đóng cửa. Chỉ số Nasdaq tăng 0,56%, đạt 18.074,52 điểm.

Giữ vai trò dẫn dắt phiên tăng này là cổ phiếu Nvidia, nhà sản xuất con chip được ưa chuộng nhất trong cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI). Nvidia chốt phiên với mức tăng gần 4% sau khi niêm yết thông tin của công ty cho thấy CEO Jensen Huang ở thời điểm hiện tại đã hoàn tất việc bán ra cổ phiếu.

Báo cáo ngày 24/9 của tổ chức nghiên cứu Conference Board cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 9 giảm mạnh nhất trong vòng hơn 3 năm trở lại đây. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 9 sụt còn 98,7 điểm, từ mức 105,6 điểm của tháng 8 và không đạt dự báo 104 điểm mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Trước khi dữ liệu trên được công bố, CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase cảnh báo bất ổn địa chính trị “đang trở nên tồi tệ hơn” và là “mối thận trọng lớn nhất” của ông. Ông Dimon cũng nói rằng bối cảnh đáng lo ngại này có thể ảnh hưởng tới tình trạng của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, Giám đốc cấp cao Julian Emanuel của công ty Evercore ISI cho rằng dữ liệu niềm tin tiêu dùng và cảnh báo của ông Dimon “khiến cho mối lo ngại tiếp tục trở nên lớn hơn”. “Chúng tôi sẽ càng lo thêm nếu nghe thấy mọi người nói mọi thứ đang tuyệt vời”, ông nhấn mạnh.

Một động lực cho phiên tăng này của giá cổ phiếu ở Phố Wall là tin tức từ Trung Quốc. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Phan Công Thắng ngày 24/9 công bố gói kích cầu bằng chính sách tiền tệ lớn nhất của nước này kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạ lãi suất, bơm thanh khoản vào nền kinh tế và giảm bớt gánh nặng trả nợ vay thế chấp nhà.

Tin Trung Quốc “đã tác động tích cực tới thị trường Mỹ. Những cổ phiếu công nghiệp có độ nhạy cảm cao với tình hình kinh tế Trung Quốc và có tính chu kỳ cao hơn như kim loại và khai quặng… cho thấy mức tăng vượt trội” - Giám đốc quản lý danh mục Zachary Hill của công ty Horizon Investments nói với hãng tin Reuters.

Sự lạc quan này cũng giúp chứng khoán toàn cầu lập kỷ lục mới trong phiên ngày thứ Ba, với chỉ số MSCI All Country World Index tăng 4,51 điểm, tương đương tăng 0,54%, đạt 844,56 điểm.

Giới đầu tư đã lạc quan hơn kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay hạ lãi suất vào tuần trước. Thị trường đang tìm kiếm những manh mối về bước đi tiếp theo của Fed.

Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 100% Fed giảm thêm lãi suất trong cuộc họp vào tháng 11. Trong đó, khả năng giảm 0,5 điểm phần trăm là hơn 58% và khả năng giảm 0,25 điểm phần trăm là gần 42% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.

Tháng 9 đang dần khép lại và chứng khoán Mỹ đang tiến tới hoàn tất một tháng tăng điểm mạnh. Dow Jones đã tăng khoảng 1,6% từ đầu tháng, S&P 500 tăng 1,5% và Nasdaq tăng 2%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,27 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, chốt ở mức 75,17 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,19 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, chốt ở 71,56 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ hôm 2/9. Động lực chính để giá dầu tăng phiên này là tin Trung Quốc kích cầu. Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi mối lo về nguồn cung khi một cơn bão lớn có tên Helene chuẩn bị đổ bộ vào vùng bờ Vịnh Mexico của Mỹ trong tuần này.

Vịnh Mexico là khu vực chiếm 15% sản lượng dầu thô và 2% sản lượng khí đốt của Mỹ.

“Việc Chính phủ Trung Quốc công bố gói kích cầu lớn nhất từ đại dịch, cùng với sự gia tăng đột ngột của căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông… đã đảo ngược tâm lý bi quan phủ bóng lên thị trường dầu suốt 3 tuần qua”, Giám đốc phân tích Claudio Galimberto của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy nhận định trong một báo cáo.

Tại Trung Đông, một cuộc không kích của Israel nhằm vào thủ đô Beirut của Lebanon đã làm thiệt mạng một một chỉ huy cấp cao của phiến quân Hezbollah. Các cuộc tấn công tên lửa xuyên biên giới giữa hai bên được đẩy mạnh gần đây khiến giới quan sát lo ngại về một cuộc chiến tranh tổng lực ở khu vực “vựa dầu” của thế giới.

Căng thẳng tăng nhiệt có thể kéo Iran, một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tiến gần hơn tới một cuộc xung đột trực tiếp với Israel. Iran hậu thuẫn Hezbollah và cả Hamas - lực lượng Palestine đang trong cuộc chiến tranh ở dải Gaza với Israel.

Bất chấp những mối lo gần đây về nhu cầu tiêu thụ dầu, báo cáo thường niên của OPEC công bố ngày 24/9 nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong trung và dài hạn. Các chuyên gia của OPEC đưa ra dự báo này trên cơ sở cho rằng nhu cầu sẽ tăng trưởng mạnh ở Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông, cũng như sự dịch chuyển sang ô tô điện và các nguồn năng lượng sạch đã chậm lại so với trước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate