Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (18/6), với chỉ số S&P 500 ghi nhận thêm một kỷ lục đóng cửa mới, khi cổ phiếu Nvidia đạt thêm một mức cao lịch sử và hãng chip này vượt Microsoft để trở thành công ty niêm yết đắt giá nhất ở Mỹ. Giá dầu thô cũng duy trì đà tăng nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất vào tháng 9 và bất chấp một vài số liệu ảm đạm của kinh tế Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,25%, đạt 5.487,03 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,03%, đạt 17.862,23 điểm, cũng là mức kỷ lục. Chỉ số Dow Jones tăng 56,76 điểm, tương đương tăng 0,15%, đạt 38.834,86 điểm.
“Nhà đầu tư đang muốn đi trên chuyến tàu này lâu nhất có thể với cổ phiếu Nvidia và những cổ phiếu mà họ tin là sẽ tiếp tục tăng. Giờ đây, nhiều cái tên khác cũng bắt đầu tăng. Tiền không hề rời thị trường, nhưng tôi có cảm giác là sẽ có thay đổi về những cổ phiếu giữ vai trò dẫn dắt thị trường trong quý này”, chuyên gia Ken Mahoney của công ty Mahoney Asset Management nhận định với hãng tin CNBC.
Cổ phiếu Nvidia tăng 3,5%, đưa hãng sản xuất con chip giữ vai trò trung tâm trong cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) ở Phố Wall tới vị trí công ty đại chúng có giá trị vốn hoá thị trường lớn nhất ở Mỹ, đẩy “gã khổng lồ” phần mềm Microsoft xuống vị trí thứ hai. Xu hướng tăng bền bỉ của cổ phiếu Nvidia đã nâng giá trị vốn hoá của công ty vượt ngưỡng 3 nghìn tỷ USD và mới vượt qua một “ông lớn” công nghệ khác vào đầu tháng này. Nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu Nvidia hiện đã tăng 174%, trong bối cảnh sự hưng phấn của nhà đầu tư đối với AI không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Nhiều cổ phiếu chip khác “thơm lây” Nvidia trong phiên này, như Qualcomm và TSMC đạt mức tăng tương ứng 2,2% và 1,4%, hay Micron tăng 3,8%.
Các cổ phiếu công nghệ nói chung còn hưởng lợi từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau khi báo cáo thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 3 yếu hơn dự báo. Điểm dữ liệu này làm dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc tới mức vừa đủ để Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.
“Nếu tiêu dùng sụt giảm, thị trường giá lên này sẽ mất đà. Nên nhà đầu tư muốn tiêu dùng chỉ giảm vừa đủ, chứ không phải là giảm mạnh. Bản báo cáo ngày hôm nay mang đến những thông tin đúng như vậy”, Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của công ty Independent Advisor Alliance nhận định.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh thu bán lẻ ở nước này trong tháng 5 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 0,2% trong tháng 4. Mức tăng của tháng 5 yếu hơn mức dự báo tăng 0,3% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, cho thấy hoạt động kinh tế đang chậm lại khi lãi suất cao ảnh hưởng tới hành vi của người tiêu dùng.
“Số liệu tiêu dùng yếu hơn dự báo cho thấy người tiêu dùng đang khó khăn và nền kinh tế vẫn tiến lên phía trước nhưng với một tốc độ chậm chạp hơn. Fed sẽ phải nghĩ dến việc cắt giảm lãi suất, có lẽ là sớm hơn cuối năm nay”, nhà quản lý danh mục cấp cao Robert Pavlik của công ty Dakota Wealth Management nói với Reuters.
Sau báo cáo trên, thị trường đặt cược khả năng 67,7% Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9, tăng từ mức đặt cược 61,5% vào hôm thứ Hai - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Về phần mình, giới chức Fed tiếp tục giữ quan điểm thận trọng về lãi suất.
Phát biểu ngày thứ Ba, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams, nói rằng lãi suất sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng từ chối nói về thời điểm Fed có thể bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin, nói ông cần có thêm vài tháng dữ liệu trước khi có thể quyết định ủng hộ cắt giảm lãi suất hay không. Thống đốc Fed Adriana Kugler nói nếu giảm lãi suất quá sớm, Fed có thể đảo ngược thành quả giảm lạm phát đã có được tính đến thời điểm này.
Nhưng dù sao, nhà đầu tư vẫn đang lạc quan, và giá dầu có thêm một phiên tăng.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,08 USD/thùng, tương đương tăng 1,28%, chót ở mức 85,33 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,24 USD/thùng, tương đương tăng 1,54%, chốt ở 81,57 USD/thùng.
Trước phiên tăng này, giá dầu đã tăng hơn 1% trong phiên ngày thứ Hai và tăng khoảng 4% trong tuần trước.
Các số liệu kinh tế Trung Quốc công bố gần đây cho thấy một bức tranh có cả những mảng màu sáng và tối: doanh thu bán lẻ tháng 5 vượt dự báo nhưng sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định gây thất vọng. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau tại công ty Mizuho Securities, ông Bob Yawger, cảnh báo đà tăng gần đây của giá năng lượng chủ yếu có thể do các nhà đầu cơ mua vào để đóng trạng thái bán khống.
“Trên thị trường vẫn đang có những mối lo về cán cân cung cầu dầu trong quý 4 và xa hơn. Điều này có thể đặt ra trở ngại đối với triển vọng tăng giá của dầu”, chiến lược gia Ryan McKay của công ty TD Securities viết trong một báo cáo.
Gần đây, giá dầu tăng do giới phân tích dự báo thị trường dầu sẽ thắt chặt trong quý 3 năm nay vì nhu cầu dầu mùa hè tăng cao có thể khiến lượng tồn trữ trên toàn cầu suy giảm. Tuy nhiên, sau quý 3, tình hình nguồn cung có thể dần nới lỏng trở lại.
Ngày thứ Tư (19/6), thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Juneteenth, kỷ niệm ngày kết thúc chế độ nô lệ ở nước này.