Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ năm (13/6), với chỉ số S&P 500 lập kỷ lục phiên thứ tư liên tiếp, trong bối cảnh nhà đầu tư có trong tay thêm dữ liệu thống kê cho thấy áp lực lạm phát có thể đang giảm. Kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sắp cắt giảm lãi suất giúp giá dầu thô giữ vững thành quả hồi phục trong tuần này.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,23%, đạt 5.433,74 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,34%, đạt 17.667,56 điểm. Đây là phiên thứ tư liên tiếp cả S&P 500 và Nasdaq đều chốt phiên ở mức cao kỷ lục.
Riêng chỉ số Dow Jones giảm 65,11 điểm, tương đương giảm 01,7%, còn 38.647,1 điểm.
Động lực cho thị trường trong tuần này là những báo cáo kinh tế mới cho thấy dấu hiệu suy yếu của lạm phát.
Báo cáo đến từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Năm cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 5 giảm 0,2% so với tháng trước, thay vì tăng 0,1% như dự báo mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Và theo dữ liệu hàng tuần của cơ quan này, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng - một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động bớt thắt chặt.
Trước đó một ngày, một báo cáo khác từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng yếu hơn so với dự báo.
Hôm thứ Tư, Fed giữ nguyên lãi suất nhưng thừa nhận đã có tiến bộ, dù còn khiêm tốn, trong tiến trình giảm lạm phát. Tuy nhiên, Fed dự kiến chỉ có 1 lần giảm lãi suất trong năm nay, thay vì 3 lần như đưa trong lần dự báo hồi tháng 3.
“Ở thời điểm này, đã có thể loại trừ khả năng Fed tăng thêm lãi suất. Điều này sẽ hỗ trợ cho định giá cổ phiếu. Kịch bản chính của chúng tôi bây giờ là thị trường chứng khoán sẽ duy trì xu hướng tăng chậm”, nhà quản lý danh mục Zachary Hill của công ty Horizon Investments nhận định với hãng tin CNBC.
Mặc dù báo cứng rắn của Fed về lãi suất, đặt cược của thị trường vào khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 đang tăng lên. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, thị trường đang đặt cược khả năng 60,5% Fed hạ lãi suất vào tháng 9.
“Fed tỏ ra cứng rắn, nhưng họ sẽ hành động dựa vào các số liệu kinh tế. Số liệu PPI ngày hôm nay đã cho thấy cải thiện, và thị trường cho rằng Fed có thể sớm thay đổi sự cứng rắn nếu các số liệu lạm phát tiếp tục có sự cải thiện”, chiến lược gia trưởng Ryan Detrick của công ty Carson Group nhận định với hãng tin Reuters.
“Sau đợt tăng mạnh gần đây, thị trường đang tăng chậm lại. Chúng tôi gọi đây là khoảng lặng sau bão, thị trường đang tích luỹ sau những bước tăng lớn ghi nhận trong nửa đầu tháng 6”, ông Detrick phát biểu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,15 USD/thùng, tương đương tăng 0,18%, chốt ở mức 82,75 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,12 USD/thùng, tương đương tăng 0,15%, chốt ở 78,62 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng khoảng 4% trong tuần này, sau đợt bán tháo vào tuần trước do kế hoạch nâng sản lượng dầu của liên minh OPEC+. Động lực cho sự hồi phục của giá dầu tuần này là triển vọng Fed giảm lãi suất được cải thiện.
Tính từ đầu năm, giá dầu Brent đã tăng 7,4% và giá dầu WTI đã tăng 9,7%.
Ngày càng có nhiều chuyên gia dự báo thị trường dầu sẽ trở nên thắt chặt cho tới ít nhất hết quý 3 năm nay trước khi bắt đầu nới lỏng vào năm 2025.
Nhà phân tích Peter Low của công ty Redbun Atlantic dự báo thị trường dầu toàn cầu sẽ thiếu cung 1,7 triệu thùng/ngày trong quý 3 năm nay và thiếu 1,5 triệu thùng/ngày trong quý 4, nhưng sẽ dư cung trong năm tới.