November 06, 2021 | 09:11 GMT+7

Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới nhờ số liệu việc làm tốt và tin về thuốc đặc trị Covid-19

Bình Minh -

Tuyên bố từ hãng dược Pfizer về một loại thuốc đặc trị Covid mà hãng đang nghiên cứu làm dấy lên hy vọng về tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế thuận lợi hơn...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu (5/11), khi báo cáo việc làm tháng 10 khả quan hơn kỳ vọng giúp củng cố tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về sự phục hồi kinh tế. Giá dầu thô cũng bật tăng mạnh mẽ do nỗi lo nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.

Tuyên bố từ hãng dược Pfizer về một loại thuốc đặc trị Covid mà hãng đang nghiên cứu làm dấy lên hy vọng về tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế thuận lợi hơn, đưa giá cổ phiếu của các công ty hàng không và tàu du lịch tăng vọt.

Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng gần 0,6%, đạt 36.327,95 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,4%, đạt 4.697,53 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 7 liên tiếp. Chỉ số Nasdaq tăng 0,2%, đạt 15.917,59 điểm.

Đây là mức điểm đóng cửa cao chưa từng thấy của cả ba chỉ số.

Thị trường xanh rực sau khi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 531.000 công việc mới trong tháng 10, vượt xa dự báo 450.000 công việc mới mà các nhà phân tích đưa ra trước đó. Báo cáo cũng điều chỉnh tăng con số việc làm mới gây thất vọng của tháng 9 là 194.000 lên 312.000 công việc. Con số của tháng 8 cũng được điều chỉnh tăng tương tự.

“Thị trường đang ăn mừng số liệu việc làm tốt hơn dự báo. Bảng lương phi nông nghiệp đã vượt xa mọi kỳ vọng. Cổ phiếu tăng giá trên diện rộng, và ngành sản xuất là một điểm sáng thực sự”, Giám đốc đầu tư Cliff Hodge của Cornerstone Wealth phát biểu.

Cả ba chỉ số cùng có một tuần tăng rực rỡ. S&P 500 tăng 2%, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 25%. Dow Jones tăng 1,4% trong tuần, còn Nasdaq tăng 3,1%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 4.

Cổ phiếu Pfizer tăng gần 11% sau khi công ty cho biết thuốc đặc trị Covid-19 của hãng, sử dụng cùng với một loại thuốc điều trị HIV, giúp giảm nguy cơ nhập viện tới 89%. Bác sỹ Scott Glottlieb, một thành viên Hội đồng Quản trị Pfizer, nói rằng đại dịch có thể kết thúc ở Mỹ trước khi quy định bắt buộc tiêm vaccine mới được làm việc ở công sở mà Tổng thống Joe Biden đưa ra có hiệu lực vào đầu tháng.

Thông tin này thổi bùng giá cổ phiếu của những doanh nghiệp có mức độ phụ thuộc lớn vào sự mở cửa trở lại của nền kinh tế. Cổ phiếu United Airlines tăng hơn 7%, American Airlines tăng 5,7%. Cổ phiếu các hãng tàu du lịch Carnival và Royal Caribbean tăng hơn 8% mỗi cổ phiếu, Norwegian Cruise Line tăng 7,8%.

“Thị trường lao động giữ đà hồi phục, nhưng cũng phải mất vài tháng nữa mới đạt tới mức toàn dụng”, nhà phân tích Edward Moya thuộc Oanda nhận định. “Cùng với tin về thuốc đặc trị Covid, báo cáo việc làm mạnh mẽ này sẽ giải toả bớt nỗi lo về chuỗi cung ứng và khuyến khích nhà đầu tư đặt cược vào sự mở cửa trở lại của nền kinh tế”.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,2 USD/thùng, tương đương tăng 2,7%, chốt ở 82,74 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 2,46 USD/thùng, tương đương tăng 3,1%, chốt ở 81,27 USD/thùng.

Giá dầu tăng do mối lo về thiếu cung, sau khi nhóm OPEC+ từ chối lời kêu gọi của Mỹ về tăng sản lượng mạnh mẽ hơn, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu đang ở gần mức trước đại dịch.

OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, hôm thứ Năm nhất trí giữ nguyên mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày/tháng. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng nhiều hơn.

Phiên này, giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ từ số liệu việc làm tốt hơn dự báo của Mỹ.

Nhà Trắng hôm thứ Năm tuyên bố đang tính đến mọi khả năng nhằm hạ nhiệt giá dầu, bao gồm xả dự trữ chiến lược. Tuy nhiên, theo chuyên gia Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy, thị trường biết rằng việc xả dự trữ chiến lược chỉ có thể làm giá dầu giảm tức thời, nhưng không phải là một giải pháp lâu dài cho vấn đề cung-cầu.

Tuần này, giá dầu Brent giảm tuần thứ hai liên tiếp, với mức giảm khoảng 2%. Giá dầu WTI giảm 2,7%.

“Một số yếu tố như mùa đông rất lạnh có thể đẩy nhu cầu sử dụng dầu để sưởi ấm gia tăng, hỗ trợ cho giá dầu. Nhưng sẽ khó để giá dầu Brent có thể vượt mốc 87 USD/thùng”, Phó chủ tịch Ann-Louise Hittle của Wood Mackenzie phát biểu, nhấn mạnh rằng khả năng dịch chuyển từ khí đốt sang dầu để sưởi ấm cũng chỉ có giới hạn, cho dù giá khí đốt vẫn đang cao.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate