Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ cùng lập kỷ lục đóng cửa thứ ba liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (12/8), khi loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn được mua mạnh và giới đầu tư phấn khởi với số liệu việc làm cho thấy đà phục hồi kinh tế Mỹ vững vàng.
Trong khi đó, giá dầu thô và tiền ảo Bitcoin cùng đi xuống.
Apple, Microsoft, Amazon.com, Alphabet, và Facebook - nhóm cổ phiếu chiếm 1/4 tổng giá trị vốn hoá thị trường của S&P 500 - dẫn đầu sự tăng điểm của S&P 500 và chỉ số Nasdaq, tin từ Reuters cho hay.
“Ngày hôm nay, S&P 500 đạt tới một đỉnh cao lịch sử mới, và hoàn toàn có cơ sở cho điều đó”, chiến lược gia Terry Sandven thuộc US Bank Wealth Management nói với hãng tin Reuters.
Ông Sandven nhấn mạnh rằng các yếu tố nền tảng đều đang hỗ trợ cho xu hướng tăng điểm của thị trường: lợi nhuận của doanh nghiệp đi lên, lãi suất đang thấp, và lạm phát trong tầm kiểm soát.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,04%, đạt 35.499,85 điểm. S&P 500 tăng 0,3%, đạt 4.460,83 điểm. Nasdaq tăng 0,35%, đạt 14.816,26 điểm.
Đến phiên này, cả Dow Jones và S&P 500 đã có chuỗi 3 phiên lập kỷ lục khi đóng cửa. Nasdaq tăng trở lại sau loạt phiên giảm gần đây, nhờ các nhà giao dịch gom mua trở lại những cổ phiếu công nghệ lớn bị bán mạnh trong 1 tuần qua - chiến lược gia Tim Ghriskey thuộc Inverness Counsel lý giải.
“Cổ phiếu công nghệ lớn đã giảm liên tiếp trong khoảng một tuần, trái ngược với xu hướng tăng của thị trường. Lực mua ở vùng giá thấp đã xuất hiện đối với những cổ phiếu này”, ông Ghriskey nói.
Apple là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào phiên tăng này của S&P 500, với mức tăng 2,1%. Tiếp theo là Microsoft với mức tăng 1% và Tesla tăng 2%.
Y tế và công nghệ là hai nhóm tăng mạnh nhất phiên này, trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500. Năng lượng là nhóm gây áp lực giảm lớn nhất lên thị trường.
Số liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua ở Mỹ tiếp tục giảm, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới giữ đà hồi phục từ đại dịch Covid-19.
Một báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tăng 7,8% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất hơn 1 thập kỷ và vượt mức dự báo tăng 7,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Tư cho thấy tốc độ lạm phát bắt đầu chững lại.
Theo Giám đốc chiến lược Mike Lowengart thuộc E*TRADE Financial, số liệu PPI phản ánh những thách thức về chuỗi cung ứng - vấn đề sẽ không làm thay đổi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
“Nhiều người đang cho rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản vào tháng 9”, ông Lowengart nói. “Nhưng về cơ bản, việc đó sẽ không làm thay đổi môi trường thuận lợi để giá cổ phiếu tiếp tục đi lên hiện nay”.
Khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Mỹ giảm xuống trong những phiên gần đây, một hiện tượng điển hình của tháng 8 hàng năm, sau khi khép lại mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đang chờ hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, Wyoming vào cuối tháng này để hiểu rõ hơn về chủ trương chính sách tiền tệ.
Toàn thị trường có 8,31 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công phiên này, so với mức bình quân 9,55 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Giá dầu thô giảm nhẹ sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng sự lây lan của biến chủng Covid Delta có thể làm chậm sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,13 USD/thùng, còn 71,31 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,16 USD/thùng, còn 69,09 USD/thùng.
Giá Bitcoin giảm sau khi vọt qua mốc 46.000 USD, cao nhất 3 tháng, cách đây ít hôm. Lúc hơn 7h sáng ngày 13/8 theo giờ Việt Nam, Bitcoin đứng trên ngưỡng 44.500 USD, giảm gần 3% so với cách đó 24 tiếng - theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com.