Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (12/12) do báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) nóng hơn dự báo và cổ phiếu công nghệ không giữ được xung lực tăng của những phiên trước đó trong tuần. Giá dầu thô cũng đi xuống do dự báo thế giới có thể thừa dầu trong năm 2025.
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 234,44 điểm, tương đương giảm 0,53%, còn 43.914,12 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ 6 liên tiếp của chỉ số blue-chip.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,54%, còn 6.051,25 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,66%, còn 19.902,84 điểm, sau khi lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mốc 20.000 điểm trong phiên ngày thứ Tư.
Công nghệ là một trong những nhóm cổ phiếu gây áp lực giảm mạnh nhất lên thị trường trong phiên này. Nvidia giảm hơn 1% và một loạt cái tên lớn khác như Meta Platforms, Alphabet hay Amazon đều chốt phiên trong sắc đỏ. Cổ phiếu hãng phần mềm Adobe thậm chí giảm hơn 15% sau khi công ty công bố dự báo kết quả kinh doanh năm 2025 yếu hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Báo cáo PPI tháng 11 từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy mức tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn so với mức dự báo tăng 0,2% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Trước đó một ngày, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mang tới những con số phù hợp với dự báo.
Dữ liệu PPI về cơ bản không làm thay đổi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường vẫn đang đặt cược khả năng gần 97% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 17-18/12.
Tuy nhiên, những dấu hiệu cho thấy tiến trình giảm lạm phát chững lại khi mức lạm phát còn cách không xa mục tiêu có thể khiến Fed giãn tiến độ hạ lãi suất trong năm 2025. Đây là một vấn đề khiến nhà đầu tư lo ngại, nhất là với các chủ trương chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump - nếu được thực thi - có thể gây hiệu ứng tăng lạm phát.
“Tôi cho rằng tiến trình giảm lạm phát hiện nay vừa hứa hẹn mà cũng gây lo ngại. Lạm phát đang ở dưới mức 3%, nhưng tiến trình giảm có vẻ đang chậm lại theo chiều hướng về mục tiêu 2% của Fed”, nhà quản lý danh mục Keith Buchanan của công ty Globalt Investments nhận định với hãng tin CNBC.
Về cuộc họp tuần tới của Fed, ông Buchanan tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất và “nếu họ có một kế hoạch khác với kỳ vọng của thị trường, chúng ta sẽ được biết”.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,11 USD/thùng, đóng cửa ở mức 73,41 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,27 USD/thùng, chốt ở 70,02 USD/thùng.
Trước đó, giá của cả hai loại dầu đều tăng hơn 1 USD/thùng trong phiên ngày thứ Tư, sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố một gói trừng phạt mới nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.
Giá “vàng đen” đang được hỗ trợ bởi triển vọng Fed giảm lãi suất trong tuần tới, nhưng nhìn trong trung hạn và dài hạn, khả năng thừa cung - thiếu cầu đang tiếp tục gây áp lực giảm giá dầu.
Trong báo cáo hàng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc té (IEA) điều chỉnh tăng nhẹ triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025, nhưng cho rằng nguồn cung dầu sẽ được đảm bảo thoải mái. Báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu lần thứ 5 liên tiếp.
“Giới chuyên gia vẫn đang dự báo về một thị trường dầu thừa cung. Nhưng triển vọng thừa cung có giảm bớt một chút do triển vọng nhu cầu tăng lên. Thị trường vẫn đang chờ thêm tin tức về các biện pháp kích thích kinh tế bằng chính sách tài khóa trên thế giới. Tôi không cho là giá dầu sẽ không có thay đổi lớn trong ngắn hạn”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nhận định.
Nhu cầu tiêu thụ dầu yếu, nhất là nhu cầu của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, và nguồn cung dầu gia tăng từ các nước sản xuất dầu ngoài OPEC+ là hai nguyên nhân chính gây áp lực giảm giá dầu trong năm nay. Giá dầu vì thế đuối sức dù được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và Đông Âu.
Tuy nhiên, nhà đầu tư đang kỳ vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ khởi sắc trong năm tới, sau khi Bắc Kinh gần đây tuyên bố sẽ áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng thích hợp” để kích thích tăng trưởng kinh tế.