April 15, 2022 | 08:12 GMT+7

Chứng khoán Mỹ sụt điểm, giá dầu tăng mạnh vì dự định của châu Âu

Bình Minh -

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (14/4), hoàn tất một tuần đi xuống. Trái lại, giá dầu thô tăng mạnh vì châu Âu có thể cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 1,21%, còn 4.392,59 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 2,14%, còn 13.351,08 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 113,36 điểm, tương đương giảm 0,33%, còn 34.451,23 điểm.

Cả tuần, S&P 500 giảm 2,13%; Nasdaq sụt 2,63%; và Dow Jones mất 0,78% điểm số. Ngày thứ Sáu (15/4), chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.

Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trong tuần này là câu chuyện lạm phát. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng sau khi các báo cáo lạm phát cho thấy giá cả ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng mạnh. Phiên ngày thứ Năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 2,8%, cao nhất 3 năm.

“Lợi suất trái phiếu đang có ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu. Đó chỉ là một trong những dữ liệu bất lợi mà nhà đầu tư phải đối mặt”, CEO Adam Sarhan của 50 Park Investments nhận định.

Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Ba cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 3 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981 và cao hơn dự báo tăng 8,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Báo cáo ngày thứ Năm cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tăng 11,2% trong tháng 3, mạnh nhất kể từ năm 2010.

Nỗi lo lạm phát và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng kéo tụt cổ phiếu công nghệ trong phiên này. Microsoft giảm 2,7%; Apple sụt 3%; Google mất 2,4%... Các cổ phiếu chip cũng giảm mạnh, như Nvidia giảm 4,3% và AMD giảm 4,8%.

Nhà đầu tư ở Phố Wall đang lo ngại rằng lạm phát leo thang sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt.

“Tôi cho rằng các dữ liệu đang ủng hộ một hành động chính sách mạnh mẽ, nếu Fed chọn hành động như vậy. Các dữ liệu đang tạo ra cơ sở để chúng tôi hành động như vậy”, ông Christopher Waller, một thành viên Ủy ban Thị trường mở (FOMC) của Fed, nói với CNBC hôm thứ Tư. “Tôi muốn đi trước đón đầu, nên việc nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 5 sẽ là phù hợp. Tiếp đó, lãi suất cũng cần được tăng trong tháng 6 và tháng 7”.

Nhà đầu tư vẫn đang trong quá trình mổ xẻ các dữ liệu lạm phát, chờ các động thái tiếp theo của Fed và các báo cáo tài chính quý 1 mới để đi đến quyết định mua hay bán cổ phiếu. Loạt ngân hàng lớn gồm Goldman Sachs, Morgan Stanley và Wells Fargo đã đưa ra kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm vào ngày thứ Năm, và giới đầu tư đang xem xét liệu các nhà băng này đã chống chọi ra sao với sự leo thang của lạm phát.

Cổ phiếu Goldman Sachs giảm 0,1% dù ngân hàng này đạt lợi nhuận quý 1 vượt dự báo. Cổ phiếu Morgan Stanley tăng 0,7% nhờ lợi nhuận cao hơn dự báo. Trong khi đó, cổ phiếu Wells Fargo giảm 4,5% vì doanh thu quý 1 không đạt kỳ vọng.

Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,92 USD/thùng, tương đương tăng 2,68%, chốt ở 111,7 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,7 USD/thùng, tương đương tăng 2,59%, đạt 106,95 USD/thùng.

Giá dầu tăng sau khi có tin Liên minh châu Âu (EU) tính cắt giảm dần để tiến tới ngừng nhập khẩu dầu Nga. Theo tờ New York Times, EU đang tiến tới phê chuẩn một kế hoạch như vậy, và việc giảm dần nhập dầu Nga sẽ cho phép Đức và các quốc gia khác trong khối có thời gian tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

Theo chuyên gia Andrew Lipow của Lipow Oil Associates, một kế hoạch của châu Âu “tìm kiếm nguồn cung dầu thay thế có thể được đáp ứng trong ngắn hạn thông qua việc xả dự trữ dầu chiến lược, nhưng trong tương lai, thế giới cần khai thác nhiều dầu hơn”.

Hôm thứ Tư, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng từ tháng 5 trở đi, nguồn cung dầu từ Nga có thể hao hụt 3 triệu thùng/ngày vì ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt hoặc do khách mua tự nguyện “quay lưng” với dầu Nga. Theo hãng tin Reuters, nhiều công ty giao dịch dầu lửa toàn cầu đang có kế hoạch cắt giảm việc mua dầu từ các công ty dầu lửa quốc doanh Nga kể từ tháng 5.

Về phía nhu cầu tiêu thụ dầu, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc có thể giảm 6% nhu cầu dầu thô đầu vào trong tháng này, mức giảm mạnh nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19.  Nguyên nhân là do phong toả chống Covid-19 ở nhiều địa phương ở Trung Quốc gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở nước này thời gian gần đây.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.

Covid-19 bùng mạnh ở Trung Quốc là một nguồn áp lực giảm đối với giá dầu trong mấy tuần qua, khiến giá dầu biến động mạnh. Tuần này, giá dầu Brent và WTI cùng tăng khoảng 9%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate