Giá dầu thô tăng khá mạnh nhờ những dấu hiệu về cung giảm cầu tăng ở Mỹ, bất chấp nỗi lo về ảnh hưởng của biến chủng Omicron.
Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq mất 2,47%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9, còn 15.180,43 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,87%, còn 4.668,67 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 29,79 điểm, tương đương giảm 0,08%, còn 35.897,64 điểm.
Phiên này chứng kiến sự mất giá mạnh của những “ông lớn” công nghệ, như cổ phiếu Apple với mức giảm 3,9%. Các cổ phiếu bán dẫn lớn thậm chí còn ghi nhận mức giảm mạnh hơn, như AMD và Nvidia với mức giảm tương ứng 5,4% và 6,8%. Cổ phiếu công ty phần mềm Adobe lao dốc 10% sau khi công ty đưa ra dự báo kết quả kinh doanh kém hơn so với dự báo của các nhà phân tích.
Trong các phiên ngày thứ Hai và thứ Ba tuần này, Nasdaq đã giảm hơn 1% mỗi phiên. Đến hiện tại, chỉ số đã giảm gần 3% kể từ đầu tuần. Nhà phân tích kỹ thuật Frank Gretz thuộc Wellington Shields nói rằng thị trường có vẻ đang dịch chuyển khỏi các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn sang các lĩnh vực khác như tiêu dùng thiết yếu.
“Tôi cho rằng đang có một sự thay đổi về những cổ phiếu giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Theo quan điểm của tôi, đây không chỉ là một câu chuyện tạm thời”, ông Gretz nói.
Nhà phân tích này cho biết ông không khuyến nghị rút vốn khỏi các cổ phiếu công nghệ có mức lợi nhuận cao cho dù các cổ phiếu này đã giảm mạnh những phiên gần đây. “Trong những đợt giảm như thế này, thị trường có xu hướng mua tất cả những cổ phiếu khác. Tôi cho rằng việc họ bán Microsoft và Apple là một dấu hiệu tốt, vì họ cuối cùng đã quyết định mua tất cả những thứ khác”, ông Gretz nói thêm.
Cổ phiếu ngân hàng giúp Dow Jones trụ tốt hơn trong phiên này, với Goldman Sachs tăng 1,9% và JPMorgan Chase tăng gần 1,6%. Cổ phiếu hãng viễn thông Verizon tăng hơn 4%, trở thành một trong những cái tên tăng tốt nhất trong Dow Jones.
Phiên giảm này xoá gần hết thành quả tăng của chứng khoán Mỹ trong phiên ngày thứ Tư– phiên giao dịch mà nhà đầu tư thở phào sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đưa ra những quyết định chính sách tiền tệ không nằm ngoài dự báo gồm đẩy nhanh việc cắt giảm chương trình mua tài sản và tiến tới nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022.
“Tôi cho rằng thứ mà thị trường mong mỏi nhất là sự chắc chắn. Và họ đã có được điều đó vào ngày hôm qua”, chuyên gia Don Calcagni của Mercer Advisors nhận định.
Giới đầu tư cũng đang dõi theo sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 do biến chủ Omicron, khi tỷ lệ dương tính của các xét nghiệm Covid ở New York tăng vọt trong những ngày gần đây. Theo ông Calcagni, sự leo thang của biến chủng Omicron có thể buộc Fed phải quay trở lại với lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng nếu nền kinh tế có những dấu hiệu suy yếu.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ngày 16/12 tuyên bố nâng lãi suất cơ bản 0,15 điểm phần trăm lên 0,25%. Tuy nhiên, trong một cuộc họp cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát tín hiệu sẽ không nâng lãi suất trong năm 2022.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,14 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở 75,02 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,51 USD/thùng, tương đương tăng 2,13%, chốt ở 72,38 USD/thùng.
Giá dầu đã nhận được một cú huých từ đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ mà Fed đưa ra trong cuộc họp tuần này. Việc Fed đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ không nằm ngoài dự báo cũng giúp ích cho tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường dầu.
Nhu cầu dầu của thế giới đã tăng trở lại trong năm nay sau khi lao dốc vì Covid-19 trong năm ngoái. Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ ngày 15/12 cho biết sản phẩm mà các nhà máy lọc dầu ở nước này cung cấp ra thị trường – một chỉ báo về nhu cầu – tăng mạnh lên mức 23,2 triệu thùng/ngày.
“Những con số này cho thấy một bức tranh kinh tế lành mạnh” chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil phát biểu. Tuy nhiên, ông Varga nói rằng việc Fed rút lại các biện pháp hỗ trợ kinh tế và làn sóng biến chủng Omicron đang là hai mối lo lớn của các nhà đầu tư dầu ở thời điểm này.
Hỗ trợ cho giá dầu trong phiên này còn có dữ liệu từ EIA cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm 4,6 triệu thùng trong tuần qua, nhiều hơn dự báo của giới phân tích.
Tuy nhiên, mối lo về Omicron và khả năng thừa dầu trong năm tới như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo trong một báo cáo mới đây vẫn đang gây áp lực giảm lên giá dầu, hạn chế mức tăng.
Anh và Nam Phi gần đây đều công bố số ca nhiễm mới Covid-19 cao kỷ lục, trong khi nhiều công ty trên toàn cầu yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà – nhân tố có thể gây hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu trong thời gian tới.
“Cho dù gần đây có một số tin tốt, chúng tôi e rằng tâm lý lạc quan trên thị trường dầu khó duy trì được sang quý 1/2023. Xét cho cùng nguồn cung dầu sắp tới sẽ dư thừa”, chuyên gia Barbara Lambretcht của Commerzbank nhận xét.