Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25/3), hoàn tất tuần tăng thứ hai liên tiếp trong khi nhà đầu tư tiếp tục đánh giá ảnh hưởng của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Giá dầu tăng vượt mốc 120 USD/thùng sau khi xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào một cơ sở dầu khí của Saudi Arabia.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 153,3 điểm, tương đương tăng 0,4%, đạt 34.861,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,5%, đạt 4.543,06 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,2%, còn 14.169,3 điểm.
Cả ba chỉ số cùng tăng trong tuần này, sau khi đều tăng trong tuần trước. Trong đó, Dow Jones tăng 0,3%; S&P 500 tăng 1,8%; và Nasdaq tăng gần 2%.
Trong tháng 3 này, S&P 500 đã tăng 3,9%, nhiều hơn mức giảm của chỉ số sau khi Nga tấn công Ukraine hồi tháng trước. Sự phục hồi diễn ra bất chấp cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn và lãi suất tăng cao hơn.
Tuần trước, Fed có đợt nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 và dự kiến có tổng cộng 7 lần nâng trong năm nay. Các quan chức Fed, gồm Chủ tịch Jerome Powell, không loại trừ khả năng đẩy nhanh tốc độ thắt chặt, bao gồm nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm, để chống lạm phát.
“Thị trường chứng khoán đang hồi phục, mặc cho sự cứng rắn của Fed và mối lo ‘stagflation’ – tình trạng kết hợp giữa tăng trưởng trì trệ và lạm phát cao. Đó là do có nhiều nhà đầu tư tin rằng chẳng gì có thể thay thế được cổ phiếu”, Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS Global Wealth Management nói trên CNBC.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 2,5% trong phiên ngày thứ Sáu, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, do nhà đầu tư kỳ vọng một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt. Cổ phiếu tài chính nhờ đó tăng khá mạnh, như Bank of America và Wells Fargo tăng tương ứng 1,5% và 2,4%.
Giới đầu tư ở Phố Wall vẫn đặt niềm tin vào những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể vững vàng ngay cả khi lãi suất tăng nhanh. Tuần trước, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969 – theo dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Năm tuần này. Đây là tín hiệu mới nhất về sự vững vàng của thị trường lao động. Giới chuyên gia đang kỳ vọng bản báo cáo việc làm tháng 3 công bố vào tuần tới cũng phản ánh sức mạnh tương tự.
Thị trường vẫn đang dõi theo cuộc chiến Nga-Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ngày thứ Sáu đã ký một thoả thuận khí đốt nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Mỹ tuyên bố sẽ cùng với các đối tác quốc tế cung cấp ít nhất 15 tỷ mét khối khí hoá lỏng (LNG) cho châu Âu trong năm nay và khối lượng cung cấp sẽ gia tăng theo thời gian.
Giá dầu tăng phiên này, hoàn tất tuần tăng đầu tiên sau 2 tuần giảm liên tiếp. Vụ tấn công tên lửa nhằm vào một cơ sở phân phối dầu ở Saudi Arabia là nhân tố đưa giá dầu tăng, nhưng giá “vàng đen” cũng chịu áp lực giảm từ khả năng Mỹ xả dự trữ dầu chiến lược.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,62 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, chốt ở 120,65 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,56 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, chốt ở 113,9 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm giá cả hai loại dầu cùng giảm khoảng 3 USD/thùng.
Cả tuần, giá dầu Brent tăng hơn 11,5% và giá dầu WTI tăng 8,8%.
Phiến quân Houthi ở Yemen tuyên bố đã tấn công vào cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia vào ngày thứ Sáu. Tuy nhiên, phía Saudi Araiba cho biết hoả hoạn do vụ tấn công này gây ra đã được kiểm soát. Nước này cũng nói sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu nào do các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các cơ sở dầu khí của Saudi Arabia.
Trong bối cảnh dầu Nga bị nhiều nhà giao dịch từ chối và lượng dầu tồn kho trên toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014, các nhà phân tích cho rằng thị trường đang trong trạng thái dễ tổn thương trước bất kỳ cú sốc nguồn cung nào.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc có thêm một đợt xả dự trữ dầu chiến lược, mà nếu được triển khai, quy mô sẽ lớn hơn đợt xả 30 triệu thùng hồi đầu tháng này – nguồn thạo tin cho hay.